Multimedia Đọc Báo in

Niềm tin và kỳ vọng

10:52, 26/08/2014

Những năm qua, các cấp Hội LHTN Việt Nam tỉnh tích cực mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên phát huy vai trò xung kích, đi đầu trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, để tổ chức Hội thực sự trở thành “chỗ dựa” vững chắc của thanh niên đòi hỏi phải có những cách làm sáng tạo hơn. Dưới đây là ý kiến của những người đã và đang làm công tác thanh niên.

* Anh Nguyễn Quang Thuân, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh:

“Quan tâm đến lợi ích chính đáng của thanh niên là một trong những phương thức tập hợp thanh niên hiệu quả nhất”

Để các phong trào, hoạt động của Hội LHTN Việt Nam tỉnh tiếp tục đi vào chiều sâu hơn thì cần phải đổi mới phương thức tập hợp thanh niên. Bên cạnh những thành tựu đạt được cũng cần thẳng thắn nhìn nhận công tác Hội hiện nay vẫn còn có những điểm đáng quan tâm, đó là  hiệu quả công tác giáo dục chưa đúng tầm; cán bộ Hội chưa khơi gợi được tính năng động, sáng  tạo để xác định được những mũi nhọn đột phá trong việc định hướng cho thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội; công tác nắm tình hình tư tưởng, dư luận trong lực lượng thanh niên chưa được quan tâm đúng mức; các phong trào hoạt động đa phần thực hiện ở bộ phận thanh niên đô thị và các cơ quan, trường học, mà chưa lan tỏa đến đông đảo các tầng lớp thanh niên... Do đó, để phát huy nguồn lực và tiềm năng to lớn của thanh niên, trong nhiệm kỳ mới, Hội cần tăng cường bồi dưỡng, giáo dục tạo sự thống nhất về chính trị, tư tưởng trên cơ sở không ngừng bồi đắp, phát huy truyền thống đi đôi với bồi đắp lý tưởng cách mạng, làm cho tuổi trẻ thực sự hòa nhập với xã hội; mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú để hướng thanh niên vào các chương trình, các lĩnh vực trọng yếu. Đồng thời, chú trọng giải quyết việc làm, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của thanh niên… Ngoài ra, Hội cũng phải tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội, làm sao để cán bộ Hội đủ điều kiện, năng lực và trình độ, xứng đáng là “thủ lĩnh” của thanh niên.

* Chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Bí thư Đoàn phường Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột):

“Phải tạo được môi trường hoạt động, sinh hoạt phù hợp để “giữ chân” hội viên thanh niên”

Từ thực tiễn công tác ở địa phương, tôi nhận thấy trong hoạt động thanh niên nói chung còn gặp hạn chế, đó là một số nội dung phong trào của các cấp Hội chưa sát thực tế nên hiệu quả chưa cao; việc chăm lo về lợi ích chính đáng của thanh niên về vốn làm ăn; giải quyết việc làm; có nơi vui chơi giải trí lành mạnh chưa đạt kết quả như mong muốn... Chính vì vậy, trong Đại hội lần này, tôi thiết nghĩ Hội cần đề ra những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; kết hợp hài hòa giữa khơi dậy, phát huy tính xung kích, tình nguyện của thanh niên với chăm lo, đáp ứng nhu cầu, quyền lợi chính đáng cho hội viên, nhất là nhu cầu được học tập, đào tạo nghề, tiếp cận các nguồn vốn phát triển kinh tế. Việc dạy nghề cho thanh niên nên có sự gắn kết chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và ngân hàng để bảo đảm thanh niên có việc làm hoặc có thể tự khởi nghiệp sau khi học nghề. Bên cạnh đó, Đại hội cũng cần tháo gỡ những khó khăn chung của cấp hội cơ sở trong việc tập hợp, đoàn kết thanh niên nông thôn, thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đồng bào có đạo. Đồng thời phải tạo được môi trường hoạt động, sinh hoạt phù hợp để “giữ chân” hội viên thanh niên, giúp họ nhiệt tình hơn với công tác Hội.

* Anh Nguyễn Hữu Huyên, Trưởng Phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ Sở Y tế:

“Cần đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị cho thanh niên bằng nhiều hình thức phù hợp”

Phải nói rằng, đối với các hoạt động của ngành Y tế, lực lượng thanh niên đóng vai trò rất quan trọng, bởi đội ngũ này không chỉ có sức trẻ, sự năng động mà còn luôn tiên phong thực hiện nhiều nhiệm vụ khó của ngành, trong đó phải kể đến những hoạt động an sinh xã hội như phong trào hiến máu tình nguyện, xây dựng ngân hàng máu sống tại các bệnh viện nhằm cung cấp nguồn máu phục vụ cấp cứu người bệnh, hay việc thực hiện công tác truyền thông về phòng chống dịch bệnh cho người dân, rồi triển khai hoạt động khám chữa bệnh từ thiện cho bà con vùng khó khăn… Nhìn từ các hoạt động này trong thời gian qua cho thấy, để tăng cường vai trò của thanh niên trong giai đoạn tiếp theo, cụ thể với lực lượng thanh niên ở ngành Y, tôi nghĩ rằng Hội cần phải đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị cho thanh niên và công tác này  nên được thực hiện cụ thể, sinh động để thanh niên nhận thức rõ vai trò, nhiệm vụ của mình, từ đó tự nguyện gắn bó với các phong trào, hoạt động của Hội. Bên cạnh đó, Hội tăng cường tuyên truyền, vận động để có những nguồn hỗ trợ từ các các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị nhằm cung cấp nguồn lực cho thanh niên thực hiện các nhiệm vụ của mình, đơn cử như công việc khám chữa bệnh từ thiện, hỗ trợ dịch vụ y tế  cho đồng bào nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của Hội Thầy thuốc trẻ…

Kim Oanh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.