Multimedia Đọc Báo in

Thầy thuốc trẻ "mê" hiến máu tình nguyện

09:28, 25/08/2014
Sinh năm 1981, điều dưỡng Nguyễn Hà Triện được biết đến không chỉ là một Bí thư chi đoàn năng nổ, một Phó Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính nhiệt tình với công việc của Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông mà còn là tấm gương tiêu biểu trong phong trào vận động hiến máu tình nguyện của địa phương.

Năm 2003, điều dưỡng Nguyễn Hà Triện về công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông. Vượt qua những khó khăn, thách thức ban đầu, anh vừa công tác vừa tự tìm tòi, học hỏi từ những đồng nghiệp đi trước để tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn. Tuổi còn trẻ lại chưa vướng bận chuyện gia đình, nên mỗi ngày cứ hết thời gian trực, anh thường đến thăm các bệnh nhân để động viên cũng như theo dõi triệu chứng, sự chuyển biến của bệnh và giải đáp những thắc mắc giúp bệnh nhân yên tâm hơn trong việc điều trị. Ngoài sự tích cực trong chuyên môn, điều dưỡng, Triện còn thường xuyên tham gia hành trình nhân ái vì sức khỏe cộng đồng, nhất là với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đến nay, anh đã tham gia tổ chức 4 đợt khám bệnh và cấp thuốc miễn phí, 6 đợt tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho hơn 1.000 lượt người dân trên địa bàn. Anh tâm sự: “Mỗi lần đến với bà con ở các thôn, buôn, ngoài việc khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho người dân, đoàn tình nguyện chúng tôi còn hướng dẫn cho người dân cách chủ động phòng tránh các bệnh thường gặp. Tuy rằng mỗi chuyến đi chỉ có vài ngày, nhưng khi chúng tôi ra về, bà con đều quyến luyến không rời. Đó cũng là động lực để những người trẻ như tôi tự nhắc nhở mình phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn để tiếp tục chăm sóc sức khỏe cho bà con khi có dịp”.

Anh Triện chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông.
Anh Triện chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông.

Ở Bệnh viện Đa khoa Krông Bông, tên của điều dưỡng Nguyễn Hà Triện gắn liền với các hoạt động từ thiện xã hội, bởi anh luôn là một trong số những người đầu tàu của các hoạt động, nhất là hoạt động hiến máu tình nguyện.  Ngay từ thời sinh viên, anh Triện đã 5 lần tham gia hiến máu. Đến khi về công tác tại bệnh viện, càng hiểu rõ hơn tính cấp bách, ý nghĩa của việc hiến máu cứu người, anh đã tích cực vận động người thân, bạn bè tham gia vào hoạt động này. Năm 2012, anh Triện cùng với các đồng nghiệp tham mưu cho Ban giám đốc bệnh viện thành lập đội tình nguyện “Ngân hàng máu sống” với 28 thành viên tham gia. Nhờ vậy, hằng năm, đơn vị trở  thành một trong những “ngân hàng” cung cấp máu cho bệnh nhân, và nhiều người bệnh đã thoát cơn hiểm nghèo nhờ nguồn máu các thành viên đội tình nguyện hiến tặng. Anh Triện cho biết: “Nhiều lần chứng kiến bệnh nhân yếu dần vì thiếu máu, nhất là với những người có nhóm máu hiếm, việc tìm ra người hiến máu vô cùng khó khăn, tôi càng hiểu hơn ý nghĩa của Ngân hàng máu sống. Vì vậy, những đơn vị máu được hiến tặng không chỉ góp phần giúp người bệnh có cơ hội được chữa khỏi bệnh, mang lại hạnh phúc cho bản thân và gia đình họ, mà còn giúp các y bác sĩ chủ động hơn trong công tác cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân”.

Khó có thể kể hết những việc làm ý nghĩa, những nghĩa cử cao đẹp của điều dưỡng Triện đối với người bệnh, nhất là người bệnh nghèo trên địa bàn huyện Krông Bông. Với những thành tích ấy, trong năm qua, anh Triện đã nhận được sự khen thưởng kịp thời của các cấp, song có lẽ sự động viên lớn nhất với anh chính là niềm tin của bạn bè, đồng nghiệp và những người đi trước. Bác sĩ Trần Ngọc Minh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông nhận xét: “Anh Triện dù tuổi nghề còn ít nhưng rất có năng lực chuyên môn, luôn hoàn thành tốt công việc đơn vị giao. Bản thân anh còn rất tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện cũng như các hoạt động thiện nguyện xã hội. Anh là tấm gương về y đức, được nhiều người trong đơn vị nể trọng”.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.