Thú chơi chó cảnh
Những năm gần đây, thú chơi chó cảnh của một bộ phận người dân TP. Buôn Ma Thuột khá phát triển; những loài chó ngoại nhập xuất hiện ngày càng nhiều và trở thành thú cưng của nhiều gia đình.
Thú chơi của các đại gia
Tùy vào từng giống, lứa tuổi và độ thuần chủng mà giá mỗi con chó cảnh cao thấp khác nhau, giống “phổ thông” như Lạp xưởng, Cocker, Chihuahua, chó heo lùn… 3-5 triệu đồng/con 2 tháng tuổi, loại “hạng sang” như Samoyed, Alaska, Chow Chow, Husky, Rottweiler… 10-15 triệu đồng/con 2 tháng tuổi. Riêng giống chó Tây Tạng có giá trên 30 triệu đồng, thậm chí một số cá thể lên đến cả tỷ đồng. Phần lớn, chó cảnh ngoại nhập khi về Việt Nam ít khi thuần chủng, chủ yếu là giống F1, F2.
Mỗi con chó có một cá tính riêng biệt, người nuôi phải biết cách chiều chuộng, săn sóc. Chính sự săn sóc, sẻ chia đã tạo nên mối liên hệ thân thiết giữa người và vật nuôi, vật nuôi chịu ảnh hưởng tính cách của chủ. Bạn Trần Thị Hồng Vân, đường Phan Chu Trinh chia sẻ, hiện tại gia đình đang nuôi 3 con với 3 giống khác nhau. Thực đơn mỗi ngày của 3 “cậu khuyển” là: sáng hạt (thức ăn riêng của chó, mèo), trưa cơm, chiều tối hạt, tối cơm; trong đó thức ăn kèm với cơm được đổi món thường xuyên: thịt bò, heo, gà, cá… để chó lạ miệng, ăn nhiều; tổng chi phí mỗi ngày của đàn chó 3 con là 50.000 đồng. Tương tự, với “cậu Sún” 1 năm tuổi, giống Alaska của Ngô Xuân Khôi, đường Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột) mỗi tháng hết 2 triệu đồng tiền thức ăn. Khôi cho biết: để thú cưng khỏe mạnh, bên cạnh thức ăn có nhiều chất dinh dưỡng còn phải vệ sinh, tắm thường xuyên 2 lần/tuần, chăm sóc thú y định kỳ hằng tháng… với tổng số tiền chi một tháng khoảng 3 triệu đồng. Giống chó Alaska nhìn hung dữ nhưng rất thông minh, thân thiện, khi thấy chủ buồn thì trông chó như cũng buồn theo, rất tình cảm, mỗi khi đi chơi mang theo nó thật thú vị, khi đi làm, đi học về là “cậu Sún” đón từ cửa, sà vào lòng chủ, giúp chủ xua tan mệt mỏi, áp lực.
Chăm sóc thú y cho chó cảnh tại Bệnh viện Thú y Trường Đại học Tây Nguyên. |
Xuất phát từ tình yêu động vật, bạn Phạm Sơn Lâm, đường Nguyễn Tri Phương đã thành lập Hội những người yêu chó mèo Buôn Ma Thuột để trao đổi kinh nghiệm nuôi và chăm sóc... Đến nay hội đã có trên 20 người với gần 30 con chó các loại, từ chó cỏ truyền thống đến chó cảnh ngoại nhập, trị giá hàng chục triệu đồng.
Nở rộ dịch vụ chăm sóc chó cưng
Song song với trào lưu nuôi chó cảnh là đủ các loại dịch vụ kèm theo như: quần áo, đồ chơi, túi ngủ, chuồng nuôi, thức ăn, tắm, thú y, ký gửi… Đi trên các tuyến đường Lê Duẩn, Lê Đại Hành, Phan Chu Trinh… dễ dàng bắt gặp các cửa hàng, dịch vụ chăm sóc thú cưng: thú y, bày bán đồ ăn, quần áo, chuồng nuôi… Khi số lượng chó cảnh nuôi ngày càng nhiều thì dịch vụ chăm sóc càng phát triển và khoản lợi nhuận cũng tăng theo. Nghề này cho lãi lớn, có khả năng phát triển trong tương lai, nhưng không phải ai cũng làm được, bởi hằng ngày họ phải tiếp xúc với những vật nuôi của người khác, chuyện vệ sinh, ăn uống phải cần mẫn như với trẻ con. Nếu không có lòng đam mê, trách nhiệm, không hiểu được trạng thái, cảm xúc của các loài vật thì đành phải bỏ nghề, như trường hợp của anh Trí, đường Phan Bội Châu, chị Thúy, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh... Chị Nguyễn Thị Anh Nam, một bác sĩ thú y cho biết, có những ca khó như chó sinh non, mổ ruột thừa cho chó… phải phẫu thuật hơn 3 giờ đồng hồ rất vất vả, nhưng thấy vật nuôi hồi phục sức khỏe nhanh, quấn quýt với mình thì mọi vất vả như biến mất. Vật nuôi khi mang tới bệnh viện, trạm xá thú y thường bị nhiều bệnh khác nhau, do vậy, người làm nghề này cũng phải tự trang bị cho mình kiến thức về các giống chó, nhất là khuyến cáo chủ nuôi tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh dại cho chó, đồng thời phải biết vệ sinh chân tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc với vật nuôi để tự mình phòng bệnh cho mình.
Thạc sĩ Lương Huỳnh Viết Thắng, Giám đốc Bệnh viện thú y Trường Đại học Tây Nguyên cho biết: trào lưu nuôi chó cảnh ngoại nhập phát triển mạnh khoảng 3 năm trở lại đây. Trước đây người chơi chủ yếu nuôi chó để giữ nhà, giữ rẫy…, nay chuyển qua các dòng thú cưng, có cá tính, màu lông đẹp để làm cảnh. Để nuôi chó cảnh an toàn, trước khi nuôi phải tìm hiểu xem gia đình có ai bị dị ứng với chó mèo không; tìm hiểu rõ nguồn gốc xuất xứ của con vật mình định nuôi; tiến hành khám bệnh khái quát, xổ giun, tiêm vắc xin đầy đủ định kỳ hằng năm, bởi chó, mèo là loại vật nuôi gần gũi với con người nên nguy cơ lây nhiễm bệnh từ chó sang người rất cao như: ký sinh trùng, nhiễm giun đũa chó mèo, giun móc, Campylobacter, dại, mèo quào, nấm biểu bì… Do vậy, người nuôi phải chăm sóc thú y đầy đủ cho chó mèo để bảo đảm an toàn cho gia đình và cộng đồng.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc