Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020: Những quan điểm mới và thuận lợi, khó khăn trong công tác cai nghiện ma túy
Đề án cũng nhấn mạnh quan điểm thực hiện đa dạng hóa các biện pháp, mô hình điều trị và để người bệnh tự tìm giải pháp, phương thức điều trị thích hợp: điều trị tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và điều trị bắt buộc tại Trung tâm theo hướng tăng dần. Trong đó, tiến tới điều trị tại cộng đồng là chủ yếu, giảm dần điều trị bắt buộc tại Trung tâm.
Từ những quan điểm mới trên đã mở ra những suy nghĩ, nhận thức về người nghiện ma túy cũng như phương pháp điều trị nghiện ma túy hoàn toàn mới, trong đó có nhiều điểm thuận lợi nhưng cũng sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức cho công tác điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng trong thời gian tới…
Quan điểm coi người nghiện là người bệnh đã góp phần xóa bỏ mặc cảm ở người nghiện ma túy và gia đình họ, giúp họ có thể công khai tình trạng của bản thân hoặc con em mình để được giúp đỡ điều trị, cai nghiện sớm; giúp giảm bớt gánh nặng cho công tác điều trị, cai nghiện ma túy.
Quan điểm nghiện là một căn bệnh mãn tính cũng sẽ góp phần làm giảm áp lực về tinh thần cho các cán bộ tham gia công tác điều trị, cai nghiện khi trong lâu nay người ta vẫn lấy tỷ lệ tái nghiện làm một tiêu chí để đánh giá hiệu quả công tác cai nghiện. Đã nói bệnh mãn tính và có bản chất tái diễn thì việc điều trị đương nhiên không thể triệt để trong thời gian ngắn được.
Quan điểm điều trị nghiện ma túy là một công việc lâu dài phải kết hợp các can thiệp toàn diện, tổng thể, nhiều mặt, cả y tế, tâm lý, xã hội… Đặc biệt là tầm quan trọng của điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng với các giải pháp hỗ trợ đa dạng cho người nghiện trong và sau quá trình điều trị. Xu hướng để người nghiện tự tìm giải pháp, phương thức điều trị thích hợp, tăng cường điều trị tại gia đình, cộng đồng có sự hỗ trợ kinh phí, thuốc thang sẽ mang lại kết quả khả quan hơn. Đặc biệt là tăng cường phương pháp điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone (gọi tắt là điều trị methadone). Với phương pháp điều trị này, người nghiện và gia đình sẽ không còn bị áp lực về tài chính (thuốc được cấp phát miễn phí).
Các học viên tại Trung tâm Giáo dục-Lao động-Xã hội tham gia Cuộc thi “Tìm hiểu kiến thức Luật Phòng chống ma túy”. |
Quan điểm mới về nghiện ma túy và điều trị nghiện ma túy cũng đang đặt ra những thách thức, khó khăn cho công tác điều trị nghiện ma túy trong thời gian tới. Không ít người có suy nghĩ cho rằng nghiện ma túy là căn bệnh mãn tính, vì vậy, việc điều trị cho người nghiện, đặc biệt cai nghiện ma túy là việc làm không mấy hiệu quả. Điều đó dẫn tới tâm lý bi quan, chán nản ở những người làm công tác cai nghiện ma túy. Bởi vậy, điều quan trọng trước hết là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để giúp cho mọi người có cái nhìn đúng về bản chất của nghiện và điều trị nghiện ma túy. Không nên quá chú trọng vào việc làm sao cho người nghiện từ bỏ ma túy được vĩnh viễn mà nên hướng đến một mục tiêu thiết thực hơn, khả thi hơn, đó là giúp những người cai nghiện giữ được thời gian từ bỏ ma túy, thời gian không tái sử dụng ma túy càng lâu càng tốt.
Ngoài mục tiêu giúp người nghiện ma túy ngừng hoặc giảm sử dụng ma túy trái phép thì điều trị nghiện còn cần hướng tới mục tiêu làm giảm các tác hại đối với sức khỏe và xã hội liên quan tới sử dụng ma túy. Đồng thời giúp người nghiện thực hiện tốt các vai trò, chức năng của mình với gia đình và xã hội.
Khi nghiện ma túy được xác định là bệnh thì có những suy nghĩ cho rằng việc điều trị nghiện ma túy, cũng như đối với các bệnh mãn tính khác, chỉ cần dựa vào thuốc là đủ, từ đó có nhìn nhận không đúng về vai trò của các can thiệp, hỗ trợ về tâm lý - xã hội trong điều trị nghiện. Sự nhìn nhận sai lệch này sẽ dẫn tới việc xem nhẹ đầu tư, hỗ trợ cho các can thiệp về tâm lý, xã hội.
Theo ông Đinh Xuân Tứ, Chi Cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh thì vấn đề khó khăn nhất của Dak Lak hiện nay trong công tác điều trị nghiện ma túy theo Đề án mới là: Đội ngũ y tế ở địa phương chưa được tập huấn nhiều (mỗi xã có người nghiện chỉ mới được 1 cán bộ y tế được tập huấn về phác đồ điều trị theo phương pháp hướng thần). Cơ sở vật chất ở các trạm y tế xã, phường cũng chưa đủ phòng cho cai nghiện cộng đồng. Vấn đề bố trí kinh phí cho cai nghiện cộng đồng cũng là một khó khăn, trở ngại lớn khi mà các địa phương chưa lập dự trù cho kinh phí cai nghiện (một số chính quyền địa phương còn xem nhẹ công tác này). Trong khi quan điểm đưa ra: Thực hiện Đề án đổi mới cai nghiện cũng như thực hiện luật xử lý hành chính, đều có tầm quan trọng. Từ đầu năm 2014 đến nay chưa có người nghiện nào bị bắt buộc vào Trung tâm (trừ 15 người nghiện có hồ sơ quản lý từ năm 2013). Song, việc điều chuyển kinh phí từ cai nghiện bắt buộc sang cho cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng vẫn chưa được thực hiện, mặc dù trong Kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020 của UBND tỉnh đã nêu rõ ý kiến chỉ đạo và Sở LĐ-TB&XH cũng đã có tờ trình gửi Sở Tài chính. Sự chậm trễ trong chuyển kinh phí này khiến cho việc triển khai công tác cai nghiện tại cộng đồng trên địa bàn gặp nhiều khó khăn và khó thực hiện được.
Minh Quân
Ý kiến bạn đọc