Multimedia Đọc Báo in

Nhọc nhằn nghề thợ điện

08:35, 28/09/2014

Có lẽ đó là từ khái quát tương đối đầy đủ về những vất vả, hiểm nguy đối với những công nhân xây dựng công trình, vận hành và bảo trì lưới điện trên địa bàn Dak Lak.

Trong nghề thợ điện, dù phải đối mặt với những áp lực, nguy hiểm khác nhau, nhưng điểm chung là họ luôn có mặt trên từng cây số để bảo trì, xử lý sự cố về điện một cách nhanh nhất. Ngày nắng cũng như mưa, những người thợ điện vẫn lặng lẽ, đánh đu trên các cột trụ, hay bám sát từng đường dây, kiểm tra kỹ lưỡng từng trạm biến áp, cẩn thận với từng ốc vít… để vừa bảo đảm sự an toàn cho mình vừa thông suốt cho dòng điện.
Công nhân Điện lực Nam Buôn Ma Thuột đào hố dựng lại cột trụ bị gãy  do mưa gió lớn ngày 19-7-2014.
Công nhân Điện lực Nam Buôn Ma Thuột đào hố dựng lại cột trụ bị gãy do mưa gió lớn ngày 19-7-2014.

30 năm gắn bó với nghề thợ điện, anh Trần Xuân Ngọ, công nhân Xí nghiệp tư vấn và xây lắp điện (Công ty Điện lực Dak Lak) đã trải qua bao nỗi buồn, vui cùng với đường dây, cột trụ trên các công trường. Từ khi vào nghề đến nay, anh đã trải qua nhiều nhiệm vụ, từ công tác báo vụ, vận hành máy, đến điều độ rồi tư vấn xây lắp…, mỗi vị trí đều có những vất vả riêng, nhưng đã cho anh những trải nghiệm và sự am hiểu sâu sắc về nghề, cũng như đúc rút được nhiều kinh nghiệm cho bản thân. Nhưng, công việc anh đam mê nhất là tư vấn, xây lắp công trình điện. Là người từng trải với nhiệm vụ thi công, sửa chữa nhiều công trình đường điện trên địa bàn tỉnh, nhưng anh nhớ nhất là những ngày gian khổ cùng anh em công nhân trên công trình đường dây sau trạm 110 kV Ea Tam, 110 kV Krông Pak, hay công trình xử lý mất an toàn điện ở Cư Kuin do đường dây dài hàng chục km, đi qua khu vực sình lầy, đồi núi, rẫy cà phê của người dân…, việc thi công cực kỳ khó khăn, vất vả, có nơi người dân thiếu hợp tác, nhưng anh và đồng nghiệp của mình vẫn hoàn thành tốt công việc được giao. Anh Ngọ trải lòng về công việc của mình: “Làm thợ điện thì vất vả không kể hết, chuyện ở rừng núi, trèo đèo, lội suối hay có khi phải xa gia đình hằng tháng trời là chuyện bình thường!”

Còn anh Nguyễn Văn Phương, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp nghề Dak Lak, đến nay anh đã có gần 10 năm theo nghề điện. Mải mê theo các công trình đưa điện đến những địa bàn vùng sâu, vùng xa mà anh “quên” mất chuyện quan trọng của mình là lập gia đình dù đã bước sang tuổi “băm”… Anh Phương cho hay, để gắn bó lâu dài với nghề điện phải có sự đam mê, không ngại vất vả, áp lực công việc. Bởi nghề thi công đường dây như anh, nhiều khi phải đi làm từ 4 giờ sáng mới kịp đến công trường, trưa ăn cơm bên cột, tối ngủ lại công trường. Đến những địa bàn xa như Ea Súp, Ea H’leo, Lak, hay M’Drak thì phải dựng lán trại giữa rừng ở lại hằng tháng trời trong điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Đặc biệt, khổ nhất là những lần đi xử lý sự cố sau mưa bão gây sạt lở, đổ cột, lưới điện tê liệt, điều kiện giao thông đi lại khó khăn, có khi anh em công nhân phải đi chân trần, mặc chiếc quần đùi ngâm mình dưới nước để khắc phục từng cột trụ, đoạn dây... để sớm đưa dòng điện thông suốt đến mọi nhà.

Công việc vất vả, nhọc nhằn là vậy, nhưng niềm vui lớn nhất của những người thợ điện không chỉ là những ngày nghỉ ngơi đoàn tụ với gia đình mà còn là mỗi sự cố được khắc phục, dòng điện được thông suốt, an toàn phục vụ người dân, hay ở những buôn làng xa xôi bừng sáng lên ánh điện.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc