Trao niềm hy vọng
Những ngày đầu tháng 9, Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh đã tổ chức trao học bổng, heo giống, xe đạp… cho người khuyết tật và trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Ea Tul, huyện Cư M’gar. Những món quà tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn đối với những con người có hoàn cảnh kém may mắn này.
Xã Ea Tul có 98% là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhất là những người khuyết tật và trẻ mồ côi (gần 200 người). Với mong muốn giúp người khuyết tật có điều kiện làm ăn, trẻ mồ côi tiếp tục theo đuổi con đường học vấn, Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh đã mang đến cho họ những chiếc “cần câu” để cải thiện cuộc sống. Gia đình chị H’Ép (buôn Yao) từ nhiều năm nay mãi trong cảnh nghèo túng bởi cả nhà 5 miệng ăn chỉ trông chờ vào tiền công những ngày đi làm thuê cuốc mướn của người chồng. Riêng chị H’Ép chỉ có thể tranh thủ những lúc đứa con thứ 2 được nghỉ học mới đi làm để kiếm thêm tiền trang trải chi phí sinh hoạt, vì thường ngày chị phải ở nhà chăm 2 đứa con khuyết tật. Bây giờ được hỗ trợ cặp heo giống đã thắp lên niềm hy vọng để cải thiện cuộc sống gia đình, chị H’Ép phấn khởi nói: “Đã từ lâu tôi ao ước có một số vốn nhỏ để đầu tư chăn nuôi, nhưng vì cái nghèo cứ mãi đeo bám nên không thực hiện được. Khi nghe tin được Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh hỗ trợ cặp heo giống, vợ chồng tôi đã chuẩn bị chuồng trại, bởi tôi vừa có thể ở nhà chăm con vừa nuôi heo để giúp gia đình bớt đi những khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống sau này”.
Người khuyết tật và trẻ mồ côi xã Ea Tul nhận heo giống để phát triển kinh tế. |
Cũng như chị H’Ép, em H’Dang Niê (học sinh lớp 8, Trường THCS Ea Tul) không giấu nổi niềm vui, hạnh phúc khi nhận được chiếc xe đạp mới. Hơn 4 năm nay, từ khi mẹ qua đời, bố bỏ đi, 8 chị em H’Dang phải tự lo lắng cho cuộc sống. May mắn hơn các anh chị và em của mình, H’Dang được người dì nhận về nuôi và cho đi học, còn 2 người chị đầu đi lấy chồng, 5 người được Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh nhận về cưu mang. Vì kinh tế gia đình người dì cũng chẳng mấy khá giả nên hằng ngày ngoài những lúc đi học, thời gian còn lại em cố gắng giúp đỡ dì dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn hay phụ giúp đi làm nương rẫy. Dẫu vất vả nhưng nhiều năm liền em đều đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Em H’Dang bày tỏ: “Mỗi ngày đi học phải mất hơn 30 phút để đi bộ tới trường. Bây giờ có chiếc xe đạp làm phương tiện đi lại, quãng đường đến trường của em cũng gần hơn và không còn lo lắng vì đến trễ giờ học”. Với gia đình chị H’Jai Niê (bị khuyết tật ở buôn Triă) và 4 hộ khác lại không đăng ký nhận heo giống hay xe đạp, học bổng mà quyết định nhận vốn xây dựng công trình vệ sinh. Với mong muốn cải thiện chất lượng cuộc sống của gia đình, góp phần cùng địa phương sớm hoàn thành tiêu chí môi trường trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Có thể nói, sự sẻ chia, giúp đỡ, hỗ trợ này đã phần nào trao niềm hy vọng cho những mảnh đời bất hạnh, những cảnh ngộ không may mắn, giúp họ có thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống, xóa bỏ mặc cảm, tự ti, hòa nhập cộng đồng. Bà Lê Thị Tuyến – Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật, trẻ mồ côi tỉnh cho biết: “Đây là hoạt động nằm trong Dự án hỗ trợ sinh kế cho người tàn tật và trẻ mồ côi của Tỉnh Hội và xã Ea Tul là địa phương thứ 8 được nhận sự hỗ trợ. Đợt này, Hội đã trao 10 suất học bổng, 10 xe đạp, vốn xây dựng nhà vệ sinh cho 5 hộ và 10 hộ được nhận heo giống với tổng trị giá gần 75 triệu đồng. Những người được trao vốn đều do bà con tự bình xét còn Hội hỗ trợ theo nhu cầu, đăng ký của từng gia đình nên hiệu quả mang lại sẽ rất cao, minh chứng là đã có nhiều gia đình ở huyện Lak, Ea Súp thoát nghèo từ sự hỗ trợ này”.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc