Ứng xử đúng mực nơi công cộng
Biểu hiện đầu tiên là gây ồn ào nơi công cộng. Dù đang đi tàu xe hay tham quan nơi đông người, nhiều người cứ vô tư nói cười oang oang như ở nhà mình. Trong bệnh viện, lời nhắc “đi nhẹ nói khẽ” được trưng ra khắp nơi nhưng không phải ai cũng làm theo. Trong cảnh bệnh nhân nhăn nhó đau khổ vì bệnh tật, những tiếng nói cười “thả phanh” vang lên thật phản cảm… Sự ồn ào nơi hàng quán cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến những người xung quanh. Đơn vị tôi ở trong khu mới quy hoạch của thành phố, có rất nhiều nhà hàng quán nhậu nên bất đắc dĩ phải “lãnh đủ” tiếng ồn phát ra từ những nơi này. Vào những ngày cuối tuần hay lễ tết, tiếng ồn từ các tụ điểm ăn chơi càng tăng lên khiến bà con xung quanh bực mình. Đặc biệt, vào các buổi trưa hay khi đêm đã về khuya, những tiếng “dzô, dzô” liên hồi kèm tiếng hát hò cứ như gào thét từ các quán nhậu khiến người xung quanh mất ngủ.
Thích thể hiện nơi đông người cũng là thói quen của những người ưa sĩ diện. Có những người cứ lên xe khách là rút điện thoại di động ra kết nối thông tin với người thân. Nếu việc đó cần thiết thì chẳng nói nhưng trong nhiều trường hợp chỉ để “buôn dưa lê”. Qua nói chuyện điện thoại, những người đó khéo léo tự khoe mình để giải quyết khâu oai. Đã vậy, họ cứ nói oang oang cười rần rật, cứ như đang diện kiến nhau trong phòng riêng. Họ không nghĩ mình đang gây khó chịu cho các bạn đồng hành?
Để giải quyết nhu cầu riêng nào đó, có những người sẵn sàng vi phạm quy định nơi công cộng. Vượt đèn đỏ, chen ngang khi phải xếp hàng, xả rác nơi công cộng…đã không còn là cá biệt. Tấm bảng “không hút thuốc” được dán nhiều nơi nhưng khối người thản nhiên phì phèo thuốc lá ngay nơi có tấm bảng đó, bất chấp người xung quanh phẩy tay nhăn mặt. Tương tự, lắm kẻ vô tư vạch quần giải quyết “nỗi buồn” ngay nơi có cảnh báo…
Để xây dựng nếp sống văn hóa, mỗi người cần có ý thức tôn trọng mọi người xung quanh để uốn nắn những hành vi sai lệch của mình trong sinh hoạt nơi công cộng.
Nguyễn Trọng Hoạt
Ý kiến bạn đọc