Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ Ea M'nang góp vốn giúp nhau thoát nghèo

09:05, 22/10/2014
Trước đây, kinh tế gia đình chị Lương Thị The (thôn 2B, xã Ea M’nang huyện Cư M’gar) luôn chật vật bởi cả nhà 7 miệng ăn chỉ trông chờ vào đồng lương ít ỏi của chồng đi làm thuê, cuốc mướn, trong khi đó, hằng ngày chị The phải ở nhà lo ăn uống và chăm sóc các con, đặc biệt là đứa con gái thứ 4 bị bệnh bại não.
 
Cuộc sống khó khăn, không có nguồn vốn nên mấy sào đất vườn của gia đình chị nhiều lúc đành bỏ hoang vì không đủ điều kiện và chi phí đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, từ khi tham gia vào mô hình tổ tiết kiệm của Chi hội phụ nữ thôn (năm 2008) và được ưu tiên vay vốn, chị đã mạnh dạn mua giống và phân bón để trồng 2 sào hoa huệ. Có nguồn thu nhập ổn định và lâu dài từ việc trồng hoa, kinh tế gia đình chị dần ổn định, các con cũng có điều kiện học hành đến nơi, đến chốn. Chị The tâm sự: “Nhờ số tiền hỗ trợ từ tổ tiết kiệm, bây giờ tôi yên tâm ở nhà vừa chăm con, vừa có thể chăm sóc mấy sào đất vườn trồng hoa và rau màu để tăng thu nhập. Gia đình tôi đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã, kinh tế cũng ổn định hơn nhiều”. Tổ tiết kiệm của Chi hội phụ nữ thôn 2B thu hút 36 hội viên tham gia. Ban đầu khi mới thành lập, mỗi tháng hội viên đóng 5.000 đồng/người, sau đó tăng lên 10.000 đồng. Đến nay số tiền tiết kiệm của chi hội đã lên đến 120 triệu đồng, giúp cho 12 chị có hoàn cảnh khó khăn vay để đầu tư sản xuất, chăn nuôi. Từ nguồn vốn này, đã có nhiều phụ nữ được tạo điều kiện phát triển sản xuất, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo như gia đình chị The, chị Phan Thị Chi,  Bùi Thị Duyên…
Mô hình vườn - ao - chuồng của gia đình chị Đinh Thị Mận  ngày càng được mở rộng nhờ nguồn vốn hỗ trợ  từ tổ góp vốn xoay vòng.
Mô hình vườn - ao - chuồng của gia đình chị Đinh Thị Mận ngày càng được mở rộng nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ tổ góp vốn xoay vòng.

Ngoài tổ tiết kiệm, Chi hội phụ nữ thôn 2B còn thành lập tổ góp vốn xoay vòng giúp nhau phát triển kinh tế với 10 thành viên. Với hình thức góp vốn là 500.000 đồng/tháng, ưu tiên cho các chị có hoàn cảnh khó khăn được lấy trước, đời sống kinh tế các thành viên trong tổ khá hơn nhiều, có chị vươn lên làm giàu. Chị Đinh Thị Mận, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 2B cho biết: “Chi hội phụ nữ thôn 2B đã thành lập được 4 tổ tiết kiệm và tổ góp vốn với tổng số tiền hiện có trên 200 triệu đồng. Cách làm này đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái, người có điều kiện giúp người nghèo khó. Chính nhờ thế, mô hình không những giúp nhiều chị em phụ nữ thoát nghèo mà còn có điều kiện mua sắm các vật dụng sinh hoạt, xây nhà…”.

a

Mô hình trồng hoa huệ của gia đình chị Lương Thị The

Cũng như thôn 2B, Chi hội phụ nữ thôn 1A cũng đã thành lập tổ tiết kiệm thu hút 16 chị với số tiền trên 34 triệu đồng, hỗ trợ vốn vay cho 6 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua mô hình này, nhiều hội viên đã vươn lên thoát nghèo bền vững như chị Phạm Thị Long, năm 2011 sau khi được vay 10 triệu đồng từ quỹ tiết kiệm của chi hội, chị đã đầu tư mua 2 con heo giống và xây dựng chuồng trại để chăn nuôi. Với sự cần cù, chịu khó, chăm chỉ, bây giờ chị không những đã trả được số tiền vay này mà còn phát triển đàn heo và  xây dựng được căn nhà kiên cố, vững chắc thay thế căn nhà xiêu vẹo, dột nát trước kia. Chị Long bày tỏ, chồng mất sớm, một mình nuôi hai đứa con đang tuổi ăn học nên cuộc sống gia đình rất vất vả. May nhờ chị em trong tổ tiết kiệm ưu tiên cho vay vốn đầu tư chăn nuôi nên kinh tế đã ổn định hơn nhiều.  Đầu năm 2014, sau khi chị Long hoàn trả tiền vốn vay, Chi hội đã tiếp tục hỗ trợ cho chị Võ Thị Huệ vay để đầu tư mua phân bón chăm sóc mấy sào cà phê. Được biết, tổ tiết kiệm của chi hội phụ nữ thôn 1A hỗ trợ vốn vay cho chị em đến khi thoát nghèo, cuộc sống ổn định mới phải trả lại tiền vay. “Phong trào phụ nữ giúp nhau trong phát triển kinh tế gia đình có từ lâu và được các hội viên thực hiện rất tốt thông qua hoạt động của các tổ hùn vốn xoay vòng và tổ phụ nữ tiết kiệm. Đến nay, toàn xã có 22 tổ với trên 1.000 phụ nữ tham gia, nâng tổng số tiền quỹ lên trên 644 triệu đồng. Qua đó, đã giúp hàng trăm phụ nữ vay vốn đầu tư cho con cái học tập, sản xuất, chăn nuôi, buôn bán… Điều đáng nói là mô hình này đang được các hội viên đồng tình và hưởng ứng rất tích cực”, chị Phạm Thị Ngọc Trang, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea M’nang phấn khởi nói.

Ngoài việc giúp nhau phát triển kinh tế, phụ nữ xã Ea M’nang còn tích cực tham gia các mô hình như hũ gạo tiết kiệm, ống tiền tiết kiệm và hỗ trợ ngày công cho những gia đình phụ nữ lúc gặp khó khăn, hoạn nạn. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2014, các chi hội phụ nữ đã tiết kiệm trên 6 triệu đồng và 715 kg gạo và hàng chục ngày công giúp 14 hộ gia đình phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chính hiệu quả của phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đã từng bước khẳng định vai trò của chị em trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, góp phần trợ lực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho mỗi hội viên.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.