Multimedia Đọc Báo in

Chàng trai ham chơi trở thành ham làm

10:54, 03/11/2014
Phạm Văn Hiếu (SN 1993, ở thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến huyện Cư M’gar) trước đây do lười học, ham chơi, say mê đá gà, đánh bi da… nên chưa hết lớp 7 đã bỏ học, ở nhà chơi bời. Sau vài tháng cảm thấy hối hận vì không chịu nghe lời cha mẹ, nhưng hổ thẹn không muốn quay lại trường học vì các bạn đã lên lớp mới, Hiếu quyết tâm khăn gói lên thị trấn Quảng Phú (Cư M’gar) học nghề điện cơ.

Với niềm đam mê, chịu khó học hỏi nên anh tiếp thu rất nhanh. Chỉ trong vòng 3 năm, Hiếu đã sửa chữa thành thạo các loại điện máy. Sau đó anh thuê một căn nhà ở đường liên xã để mở tiệm riêng, nhận sửa chữa máy bơm nước, tủ lạnh, máy giặt… Ban đầu nhiều người không tin vào khả năng của chàng trai 16 tuổi lúc bấy giờ, nhưng dần dần thấy sự chịu khó, niềm nở và việc sửa chữa bảo đảm chất lượng nên “tiếng lành đồn xa”, khách ở nhiều nơi trong huyện đều đưa máy đến cơ sở của Hiếu để sửa chữa. Vào mùa khô nhiều khách hàng mang máy bơm nước tưới cà phê đến bảo dưỡng, sửa chữa, Hiếu phải thuê thêm hai nhân công mà nhiều hôm vẫn làm không kịp, cửa hàng tấp nập khách hàng. Ngoài ra, Hiếu còn nhận phần mắc điện từ hai nhà thầu xây dựng cho các công trình nhà ở, mỗi năm được hơn 10 căn nhà. Sau khi đã trừ chi phí, mỗi năm Hiếu thu từ công việc sửa chữa và lắp điện được gần 100 triệu đồng.

Phạm Văn Hiếu chăm sóc đàn bò của gia đình.
Phạm Văn Hiếu chăm sóc đàn bò của gia đình.

Mở tiệm được hơn một năm Hiếu đã có tiền để tích lũy. Anh luôn suy nghĩ, tính toán phải làm sao để những đồng tiền mình làm ra sinh thêm lợi nhuận. Tình cờ trong một lần đi mắc điện cho một gia đình ở xã bên, anh được biết chủ nhà này nuôi vài chục đàn ong mật đem lại thu nhập nuôi sống cả gia đình, nên anh đã học hỏi kinh nghiệm và quyết định đầu tư số tiền tích cóp được vào nuôi ong. Vậy là năm 2010, Hiếu mua 50 đàn ong mật về nuôi thử. Có ong, Hiếu tập trung chăm sóc và ngay trong mùa thu hoạch mật, phấn hoa đầu tiên đã thu hồi vốn. Từ đó, Hiếu càng chăm chỉ nuôi và nhân đàn. Lúc rảnh Hiếu tranh thủ tìm hiểu phương pháp nuôi ong mật qua tivi, qua kinh nghiệm của những người từng nuôi ong và mua sách học phương pháp nuôi ong về nghiên cứu. Lúc đầu, do chưa có kinh nghiệm nên bình quân mỗi đàn chỉ cho khoảng 25-30 lít mật/năm. Để có sản lượng mật cao, Hiếu đã di chuyển đàn ong đến nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Đó là các vùng có nhiều hoa điều, hoa cà phê, hoa cao su như các huyện: Krông Buk, Krông Năng, hoặc đến tỉnh Bình Phước khi những vườn điều trổ hoa… Với sự di chuyển theo mùa vụ như vậy, Hiếu đã thu bình quân một đàn ong đạt từ 35-40 lít mật/năm. Với số lượng 170 đàn ong mật hiện nay, mỗi năm Hiếu thu khoảng trên 6.000 lít mật, đạt trên 300 triệu đồng/năm từ mật ong và phấn hoa, trừ chi phí mỗi năm còn thu lãi trên 200 triệu đồng.

Không dừng lại ở công việc nuôi ong mật và mở tiệm điện cơ, cuối năm 2013 Hiếu đầu tư gần 100 triệu đồng mua 5 con bò giống về nhờ bố mẹ nuôi để tăng thêm thu nhập và lấy phân bón cà phê bằng cách tận dụng những vùng đất ẩm giáp bờ suối, bờ ao để trồng cỏ, vừa không bỏ phí đất, vừa có thức ăn cho bò. Ba công việc ở ba địa điểm khác nhau, hằng ngày anh phải “quay như chong chóng”. Đặc biệt, vào mùa ong lấy mật, Hiếu phải thường xuyên di chuyển ong đi các nơi theo mùa hoa nở và phải thuê thêm hai người giúp chăm ong.

Không chỉ làm giàu cho bản thân ngay tại làng quê của mình, Hiếu còn tích cực học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, đồng thời tư vấn kinh nghiệm cho bà con hàng xóm; tạo được công ăn việc làm cho một số thanh niên trong thôn. Trao đổi về mô hình làm kinh tế của Hiếu, ông Nguyễn Sơn, Trưởng thôn Tiến Cường, và cũng là người cùng xóm với Hiếu nhận xét: “Dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng với khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng tại làng quê, từ hai bàn tay trắng, học hành chưa đến nơi đến chốn, Phạm Văn Hiếu đã chịu khó, phấn đấu, dám nghĩ, dám làm để có được một mô hình phát triển kinh tế vững chắc như ngày hôm nay. Hiếu xứng đáng là tấm gương tiêu biểu của tuổi trẻ địa phương trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp. Mô hình này cần được nhân rộng để các thanh niên khác học tập và làm theo…”.

Trung Hải


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.