Đu dây bằng cáp treo tự chế qua sông: Còn đó những nỗi lo và hiểm nguy rình rập…
Dù biết vượt sông bằng cáp treo là vô cùng nguy hiểm, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, hằng ngày, hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) vẫn phải liều mình “đu cáp”...
Khoảng 8 giờ sáng ngày 26-10, trên sông Krông Ana (đoạn chảy qua địa bàn xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) xảy ra vụ tai nạn đứt cáp treo tự chế khiến ông Nguyễn Chua (51 tuổi, trú thôn 6, xã Hòa Lễ) rớt xuống mép sông từ độ cao gần 10 mét và tử vong trên đường đi cấp cứu. Vụ việc lại một lần nữa gióng lên hồi chuông về nguy hiểm rình rập từ những “cáp treo” này. Bởi cách đó chưa lâu (ngày 15-8), bà Nguyễn Thị Thọ (52 tuổi, vợ ông Chua), khi đu dây qua sông đi làm cũng bị đứt dây cáp, rớt xuống mép sông và bất tỉnh tại chỗ. Theo lời kể của người dân, cách đây khoảng 2 năm, cũng tại đây đã từng xảy ra vụ đứt cáp, khiến ông Nguyễn Ngọc Phương (47 tuổi, trú thôn 2) bị thương nặng phải đi cấp cứu và điều trị tại bệnh viện hơn một năm mới đi lại, làm việc được...
Đi dọc bờ sông Krông Ana (đoạn chảy qua địa bàn xã Hòa Lễ) vào mùa này, dễ thấy cảnh nhiều người đu dây hay vận chuyển hàng hóa bằng dây cáp bắc ngang sông. Ông Lê Văn Bình (Thôn phó thôn 6) cho biết: “Do thời điểm này là mùa thu hoạch cà phê nên hằng ngày có rất nhiều người có rẫy bên kia sông phải đu dây đi làm. Trong khi đó, một số dây cáp treo được làm từ khá lâu nên bị rỉ sét, các cọc đóng ở hai bên bờ cũng có dấu hiệu xuống cấp, không thực sự chắc chắn nên dễ xảy ra tai nạn”. Quan sát những chiếc “cáp treo” ở đây thì được thiết kế khá đơn giản, chỉ gồm một sợi dây thép (to, nhỏ khác nhau), một số cọc tự chế (gỗ hoặc sắt), đóng cố định ở hai bên bờ, thêm một con ròng rọc cùng một sợi dây. Tùy theo địa hình từng quãng sông mà dây cáp được bố trí cao thấp khác nhau. Xã Hòa Lễ có khoảng 300 ha đất canh tác bên kia sông, diện tích này do người dân xâm canh dọc bờ sông Krông Ana (thuộc địa phận xã Cư Kty, huyện Krông Bông) và hai xã: Ea Yiêng, Vụ Bổn (huyện Krông Pak). Trước đây, người dân thường dùng ghe, thuyền hoặc “cầu khỉ” để đi lại và vận chuyển nông sản qua sông. Về sau, những cây cầu này bị lũ lớn cuốn trôi nên họ phải đóng thuyền, bè để sử dụng. Tuy nhiên, do thuyền bè nhỏ, rất nguy hiểm trong mùa mưa lũ nên họ lại “sáng chế” ra cáp để vận chuyển và việc này đã kéo dài khoảng trên mười năm nay. Ông Võ Châu Thắng, cán bộ phụ trách Giao thông - Thủy lợi xã Hòa Lễ cho biết: “Dọc bờ sông dài hơn 10 km, người dân trong xã đã bắc gần 20 cầu treo tự chế, trong đó, nhiều nhất là thôn 5 có 9 tuyến cáp. Mới đây, người dân thôn 9 đã góp tiền làm được 1 chiếc cầu trụ bằng sắt, lát ván bắc qua sông để người dân thuận tiện đi lại.
Người dân thôn 6, xã Hòa Lễ đu dây qua sông đi làm. |
Tuy nhiên, cây cầu này cũng chỉ là cầu tạm, khi nước lớn thì bị ngập, không qua lại được”. Anh Trương Công Lý (trú tại thôn 5) cho biết: “Gia đình tôi ở bên này sông nhưng canh tác 2,7 ha đất ở bên kia sông. Mười mấy năm nay, chúng tôi đã sử dụng dây cáp treo này để qua lại, vận chuyển phân bón, thuốc trừ sâu, nông sản… Mỗi dây cáp treo này đầu tư khoảng 5-7 triệu đồng, được nhiều nhà dân có đất gần đó tự nguyện đóng góp, xây dựng và sử dụng. Riêng ròng rọc thì các gia đình phải tự túc, thiết kế cho phù hợp với mục đích sử dụng của mình”. Cũng giống như anh Lý, cuộc sống của gia đình chị Võ Thị Hoa (trú tại thôn 8) phụ thuộc vào 3 ha trồng cà phê, bắp và lúa ở bên kia sông. Ngày nào cũng hai buổi sáng, chiều, anh chị phải đu dây sang sông để làm rẫy. Chứng kiến cảnh chị Lý đu dây qua sông, chúng tôi không khỏi thót tim bởi “màn trình diễn” hết sức nguy hiểm nhưng đối với người dân nơi đây là chuyện thường ngày. “Có một lần, tôi đu dây cáp đến gần bờ thì ròng rọc bị hỏng và rơi xuống sông, rất may nước sông cạn nên không sao. Vì miếng cơm manh áo nên chúng tôi phải qua sông bằng cách này” - chị Hoa phân trần.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lễ cho biết: Trước đây xã có hơn 20 điểm cáp treo tự chế, nhưng mới đây UBND xã đã cho tháo dỡ một số điểm. Hiện chỉ còn khoảng 3 đến 4 điểm nhưng vì người dân lấy lý do đến mùa thu hoạch nên không còn cách nào khác phải giữ lại, bà con cũng có hứa sau mùa vụ sẽ dỡ bỏ. Trước đây, đã có nhiều trường hợp đu dây rớt xuống sông nhưng được người khác phát hiện và ứng cứu kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng. Việc người dân mong mỏi có được cây cầu bắc qua sông phục vụ sản xuất là nguyện vọng chính đáng, thế nhưng do nguồn vốn còn khó khăn nên chưa thể làm ngay”.
Theo thống kê sơ bộ của Sở Giao thông - Vận tải, trên địa bàn tỉnh hiện có 318 cầu dân sinh, chủ yếu là cầu treo (bắc qua sông, suối), trong đó nhiều cây cầu được làm bằng gỗ tạm hoặc sắt thép, có tải trọng thấp. Hiện tại có 31 cầu treo đã xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của người dân khi lưu thông qua các cây cầu này. Mới đây, Bộ Giao thông - Vận tải đã có quyết định hỗ trợ kinh phí cho Dak Lak xây dựng 9 cầu treo dân sinh trong giai đoạn 2014-2015. Tỉnh cũng trích gần 1,6 tỷ đồng từ Quỹ Bảo trì đường bộ để sửa chữa cầu treo hư hỏng tại các vùng trọng yếu. Tuy nhiên, việc làm này mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu của người dân. Hằng ngày, vì “miếng cơm manh áo”, người dân vẫn phải “đánh đu” trước miệng tử thần…
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc