Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực trong phong trào "địa bàn trắng ma túy" ở các thôn đồng bào di cư tự do

10:50, 03/11/2014
Huyện Krông Bông có 13 thôn, với 2.145 hộ, 14.879 khẩu là người dân tộc thiểu số di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào; trong đó chủ yếu là các dân tộc: Mông, Tày, Mường, Thái, sống tập trung ở các xã Hòa Phong, Cư Pui và Cư Drăm. Đồng bào di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vốn tiềm ẩn nguy cơ của tệ nạn nghiện hút.
 
Xã Cư Pui có 7 thôn, với 1.424 hộ, 9.087 khẩu là người dân tộc thiểu số di cư tự do. Trước đây khi chưa vào định cư, nhiều người dân tộc Mông, Thái, Tày đã trồng và sử dụng thuốc phiện. Ông Dương Văn Páo (75 tuổi), ông Đào Văn Lụy (66 tuổi), ông Thào Văn Hanh (71 tuổi) ở thôn Cư Rang là 3 trong số nhiều người ở đây có “thâm niên” hơn 20 năm nghiện thuốc phiện, nhưng từ năm 1996 vào đây định cư, họ đã cai được thuốc. Ông Dương Văn Páo tâm sự: “Khi còn ở huyện Bắc Mê (tỉnh Hà Giang) tôi đã nghiện thuốc phiện từ lúc mới hơn 30 tuổi. Nhà có 3 anh em thì 2 người nghiện hút; từ khi vào định cư tại xã Cư Pui nhờ sự giúp đỡ của chính quyền, Công an và các đoàn thể nên đã cai được thuốc phiện”.

Ông Y Lăt Mlô, Trưởng Công an xã Cư Pui cho biết: “Đồng bào Mông ở rải rác nên việc kiểm tra, giám sát rất khó khăn. Đội ngũ Công an xã luôn quan tâm đến công tác phòng chống tệ nạn xã hội trên địa bàn, đặc biệt là vùng đồng bào di cư tự do. Hằng năm, Công an xã phối hợp với các thôn tổ chức các chuyên đề về phòng chống ma túy, buôn bán phụ nữ; thường xuyên xuống các thôn, buôn nắm thông tin; đồng thời tổ chức diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”, “Nhân dân tích cực tố giác tội phạm”… tại các thôn đồng bào di cư, vì vậy tình hình an ninh trật tự ở các thôn luôn ổn định…”.

Ông Đào  Văn Lụy  và ông Dương  Văn Páo  (thôn Cư Rang,  xã Cư Pui)  có “thâm niên” nghiện thuốc phiện  trên 20 năm  khi còn ở  Hà Giang và đã cai nghiện  từ năm 1996  khi vào định cư tại xã Cư Pui.
Ông Đào Văn Lụy và ông Dương Văn Páo (thôn Cư Rang, xã Cư Pui) có “thâm niên” nghiện thuốc phiện trên 20 năm khi còn ở Hà Giang và đã cai nghiện từ năm 1996 khi vào định cư tại xã Cư Pui.

Ở xã Hòa Phong và xã Cư Drăm cũng có 7 thôn đồng bào Mông. Trước đây khi chưa vào định cư, nhiều người ở các thôn này cũng đã lâm vào tệ nạn nghiện hút. Năm 1996 sau khi vào định cư, chỉ duy nhất 1 người ở thôn Ea Hăn (xã Cư Drăm) còn nghiện hút; sau một thời gian, được sự vận động, giúp đỡ của các tổ chức, đoàn thể và gia đình nên đã cai được. Từ đó đến nay trên địa bàn các thôn đồng bào Mông ở 2 xã này không còn ai nghiện hút nữa. Ông Ma Seo Lở, Trưởng Ban Mặt trận thôn Cư Dhắt (xã Cư Drăm) cho biết: “Thôn Cư Dhắt có 1.153 khẩu. Đa số là người dân tộc Mông ở tỉnh Lào Cai vào định cư. Trước đây ở quê, rất nhiều người đã sử dụng thuốc phiện. Một số gia đình còn lén lút trồng cây thuốc phiện ở bờ suối hoặc ở rừng sâu xa gia khu dân cư. Từ khi vào định cư ở xã Cư Drăm đến nay, họ đã tu chí làm ăn, không có ai sử dụng hoặc trồng cây thuốc phiện nữa…”.

Hiện nay 3 xã có đồng bào di cư tự do ở huyện Krông Bông vẫn đang nỗ lực tuyên truyền đến các gia đình bằng nhiều hình thức, nhằm ngăn chặn tệ nạn ma túy thâm nhập vào địa phương. Các xã đang đầu tư kinh phí xây dựng nhà văn hóa, sân chơi thể thao; tổ chức các phong trào thể dục - thể thao, văn nghệ, các hoạt động văn hóa truyền thống để đội ngũ thanh niên tham gia, nhằm hạn chế tệ nạn rượu chè, cờ bạc, nhất là nạn nghiện hút ma túy trong thanh thiếu niên. Năm 2013, xã Cư Pui đề nghị và được TAND huyện Krông Bông, TAND tỉnh đưa một số vụ án mua bán, tàng trữ chất ma túy về xét xử lưu động tại các thôn, buôn, qua đó giáo dục kiến thức pháp luật, nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại và những hệ lụy của ma túy đối với đời sống xã hội.

 Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc