Multimedia Đọc Báo in

Tiếp tục thực hiện tốt công tác dân tộc và chính sách dân tộc

10:59, 17/11/2014

Là tỉnh trung tâm Tây Nguyên, có nhiều thành phần dân tộc cùng chung sống, những năm qua, Dak Lak luôn nhận được sự quan tâm đầu tư đặc biệt của hệ thống chính sách ưu đãi toàn diện đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), từ hỗ trợ phát triển kinh tế đến bảo đảm an sinh xã hội, nhờ đó đời sống vật chất cũng như tinh thần của bà con đã có nhiều đổi thay.

Đổi thay từ mỗi buôn, làng

Trước thềm Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ II-2014, cùng với lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, chúng tôi đã đến thăm nhiều buôn, làng có đông đồng bào DTTS sinh sống. Cảm nhận chung ở những nơi đến là đời sống của bà con đã có những đổi thay rõ rệt  so với trước. “Chưa bao giờ, miền núi, vùng đồng bào DTTS lại được quan tâm, đầu tư toàn diện như bây giờ. Các chương trình, chính sách, dự án thực hiện ở vùng DTTS đã làm thay đổi diện mạo nhiều buôn làng”, ông Ring Adrơng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh khẳng định. Điều này được minh chứng tại buôn Kalia (phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ), với hơn 98,2% dân số là dân tộc Êđê. Từ lâu người dân nơi đây đã không còn trồng lúa rẫy hay sống dựa vào tài nguyên rừng, bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cà phê, thâm canh lúa nước, đã biết chọn giống mới cho các loại hoa màu ngắn ngày... Cùng với việc thay đổi tập quán canh tác, những năm qua, đồng bào Êđê buôn Kalia được Nhà nước hỗ trợ toàn diện thông qua các chương trình, như: 132, 134, 135, 167…, nhờ đó thu nhập bình quân đầu người đạt trên 15 triệu đồng/năm. Ông Y Mek Niê, Buôn trưởng buôn Kalia phấn khởi cho biết: “Bây giờ buôn Kalia không còn hộ đói, tỷ lệ hộ khá, giàu tăng. Năm 2009, cả buôn chỉ có 2 hộ giàu, nhưng nay là 9 hộ giàu, 33 hộ khá, 168 hộ trung bình, đặc biệt chỉ còn 6 hộ nghèo, giảm 11 hộ so với năm 2011”.

Những nông dân kiểu mẫu ở xã căn cứ Cư Pơng (huyện Krông Buk) đang trao đổi  kinh nghiệm trồng hồ tiêu.
Những nông dân kiểu mẫu ở xã căn cứ Cư Pơng (huyện Krông Buk) đang trao đổi kinh nghiệm trồng hồ tiêu.

Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, giai đoạn 2009-2014, từ các nguồn vốn Trung ương đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ nâng cao đời sống đồng bào DTTS trong tỉnh. Riêng Chương trình 135 đã đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn hơn 389 tỷ đồng; trong đó xây dựng mới, duy tu, bảo dưỡng 914 công trình kết cấu hạ tầng, gần 30 nghìn hộ nghèo được chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan học tập các mô hình giảm nghèo, hỗ trợ giống cây trồng-vật nuôi, máy công cụ phục vụ sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp; hàng ngàn cán bộ xã, thôn, buôn được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực... Đến nay, bộ mặt các địa phương được thụ hưởng Chương trình 135 chuyển biến rõ nét, kết cấu hạ tầng kỹ thuật được xây dựng đồng bộ, tỷ lệ hộ đói, nghèo giảm đáng kể. Đồng bào các DTTS thiểu số đã biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng-vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đời sống vật chất-tinh thần được nâng lên, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, khu vực trong tỉnh. Cùng với đó, gần 8.000 hộ DTTS được hỗ trợ kinh phí lắp đặt nước sinh hoạt, 13.220 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở, trong đó có 8.161 hộ DTTS. Đến nay, Dak Lak đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 78.825 ha (đạt 67%) cho hộ DTTS. Việc giải quyết kịp thời, đúng đối tượng các chính sách ưu đãi đã giúp bà con bảo đảm những nhu cầu cấp thiết của cuộc sống, ổn định định canh định cư, tăng gia sản xuất, xóa đói, giảm nghèo và từng bước nâng cao mức sống. Từ cuối năm 2010 đến hết năm 2013, toàn tỉnh đã giảm 30.719 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 20,82% xuống còn 12,26% (bình quân mỗi năm giảm 2,85%), trong đó, hộ nghèo DTTS từ 46.555 hộ (38,95%) giảm còn 30.716 hộ (23,72%), bình quân giảm 5,07%/năm. Cùng thời gian trên, hộ cận nghèo giảm từ 33.449 hộ xuống còn 32.168 hộ; toàn tỉnh chỉ còn 5 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, giảm 19 xã so với năm 2010; đặc biệt không còn huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 40%...

Trồng ngô theo mô hình cánh đồng mẫu lớn tại thôn 1B (xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ) cho thu nhập hơn 30 triệu đồng/ha.
Trồng ngô theo mô hình cánh đồng mẫu lớn tại thôn 1B (xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ) cho thu nhập hơn 30 triệu đồng/ha.

Cần triển khai hiệu quả hơn chính sách dân tộc

Có thể khẳng định, sau gần 30 năm đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu quan trọng. Đặc biệt, Chương trình 135 (giai đoạn I từ 1997-2006, giai đoạn II từ 2006-2010 và hiện đang triển khai giai đoạn III) với sự đầu tư toàn diện của Nhà nước cho vùng DTTS là động lực để Dak Lak thực hiện thành công mục tiêu thoát khỏi tình trạng chậm phát triển, duy trì ổn định tốc độ tăng trưởng kinh tế; hoàn thiện kết cấu hạ tầng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện cho sự bứt phá về kinh tế - xã hội; đồng thời là cơ sở quan trọng cho sự phát triển bền vững trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc vẫn còn những tồn tại cần giải quyết trong thời gian tới. Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế vùng DTTS còn chậm và không ổn định; tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân chung; khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa đồng bào DTTS so với đồng bào dân tộc Kinh trên cùng địa bàn cư trú có chiều hướng tăng; con em DTTS tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa  tìm được việc làm còn nhiều… Nguyên nhân hạn chế trên là do điểm xuất phát của vùng DTTS thấp; kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất thấp kém, chưa đồng bộ; chính sách đầu tư cho vùng DTTS mang tính nhiệm kỳ, chồng chéo về đối tượng, địa bàn thụ hưởng, hầu hết mang tính hỗ trợ, chưa có chính sách đầu tư trọng điểm, hiệu quả chưa cao, chưa bền vững. Chưa kể nhiều chính sách, mục tiêu kỳ vọng cao, song nguồn vốn không đáp ứng nên kéo dài thời gian thực hiện, hiệu quả thấp, thậm chí gây lãng phí. Ngoài những nguyên nhân khách quan trên, thẳng thắn nhìn nhận, trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác dân tộc trong thời kỳ mới. Một bộ phận đồng bào DTTS chưa thực sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo, còn ỷ lại. Theo ông Y Ring Adrơng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, có thể nói, với các chủ trương đúng đắn của Đảng, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đến nay bộ mặt nông thôn các buôn, thôn đồng bào DTTS trong tỉnh có nhiều thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên đáng kể. Ngoài đề nghị Chính phủ cần tăng mức đầu tư, hỗ trợ, cấp đủ vốn để hoàn thành các mục tiêu của chính sách, một bài học kinh nghiệm cần được tham khảo, nếu như trước đây, thực hiện chính sách dân tộc theo kiểu dàn trải thì nay phải lựa chọn những nơi khó nhất, nghèo nhất để tập trung ưu tiên đầu tư hỗ trợ trước. Sự đổi mới cách làm như vậy sẽ góp phần rất lớn hạn chế khoảng cách chênh lệch, phân hóa giàu - nghèo trong xã hội mà người nghèo chủ yếu rơi vào đồng bào DTTS, nhất là ở nơi vùng sâu, vùng xa.

Gia Nguyên


Ý kiến bạn đọc