Multimedia Đọc Báo in

Vươn lên trong bóng tối

08:55, 16/11/2014
Anh Cao Danh Quyền (SN 1976), sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con ở Nam Đàn, Nghệ An, sau đó cả nhà chuyển vào Dak Lak sinh sống. Anh lên 5 tuổi cũng là lúc mẹ mắc bệnh ung thư rồi qua đời. Bị sốc nặng về tinh thần, người cha cũng lâm bệnh rồi mất ngay sau đó. Vậy là 5 anh chị em Quyền bơ vơ tự bươn chải, nuôi nhau nơi đất khách quê người.

Với ước mơ “trồng người” anh thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Dak Lak rồi được phân công về dạy tại Trường THCS Trần Quang Diệu thuộc xã Ea Kuêh (Cư M’gar). Dạy được hai tháng, anh bị sốt rét ác tính nên phải nghỉ để điều trị. Mọi thứ trở lại bình thường sau đó, cho đến một ngày anh thấy trong người mệt mỏi khác lạ, hai mắt cứ mờ đi, không nhìn rõ mọi vật. Tình trạng đó kéo dài khiến anh bất an; đi khám bệnh các bác sĩ chẩn đoán anh bị bong võng mạc có thể gây mù. Những ngày tháng đi đi về về giữa Buôn Ma Thuột - Hà Nội, vừa dạy vừa chữa bệnh không làm anh nản lòng chỉ mong sao mắt sẽ hồi phục. Tuy vậy, sự nghiệp “trồng người” của anh đành dừng lại khi đôi mắt không thể nhìn thấy gì nữa. Dù đã nghĩ đến thời khắc này nhưng anh vẫn đau khổ, tuyệt vọng vì biết từ nay trước mắt mình là hố đen thăm thẳm.

Nhờ sự động viên, khích lệ của anh em, bạn bè cùng suy nghĩ không thể là gánh nặng cho xã hội, anh bắt đầu làm quen với cuộc sống trong bóng tối. Những ngày đầu, anh không thể di chuyển, hễ cứ đi lại vấp ngã, làm rơi vỡ đồ đạc, nhưng với sự miệt mài và nhẫn nại, sau một thời gian anh đã thích nghi và thực hiện các sinh hoạt cá nhân mà không cần trợ giúp. Ba năm sau ngày định mệnh, cuối năm 2008, anh tình cờ nghe được thông tin về Hội Người mù nên tìm đến và xin gia nhập. Dưới sự chỉ dẫn của Hội, anh Quyền theo học khóa mát-xa dành cho người mù. Sau hai tháng cần mẫn, chịu khó học hỏi, anh thông thạo các kỹ năng xoa bóp và làm khá chuyên nghiệp. Trong một lần đi mát-xa cho khách, anh Quyền gặp em Trịnh Đình Công (16 tuổi) quê ở Đồng Nai, cũng là người cùng cảnh ngộ. Sau khi nghe Công chia sẻ, ý định về một tiệm mát-xa dành cho người mù lóe lên trong suy nghĩ của anh.

Ngày bảng hiệu “Xoa bóp Niềm Tin” (do người mù đảm nhận) treo lên căn nhà cấp 4 thuê lại tại số 4 đường Giải Phóng, phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột là ngày mở ra bao niềm hy vọng với anh Quyền và Công. “Chỉ cần có thể nuôi được bản thân là em hạnh phúc lắm rồi…”, Công tâm sự.

Cô Nguyễn Thị Lân, chủ nhà kể lại: “Ngày Quyền đến hỏi thuê tôi cứ ngần ngại mãi. Nhưng thấy anh em Quyền quyết tâm, vợ chồng tôi thương quá hủy luôn hợp đồng thuê nhà dài hạn với Công ty TNHH tư vấn và xây dựng Thành Đồng để cho Quyền thuê. Mỗi ngày chỉ mong sao có thật nhiều khách đến làm để anh em nó phấn khởi và lạc quan hơn…”. Anh Đinh Văn Hà, khách quen của quán chia sẻ: “Dù quanh đây có nhiều quán mát-xa đẹp, đủ mọi dịch vụ nhưng tôi chỉ đến đây bởi giá cả hợp lý, không có tệ nạn mà còn xoa bóp đúng bài bản nữa…”.

Được biết, “Xoa bóp Niềm Tin” đã mở được hơn 1 năm, lượng khách hằng ngày dao động từ 7-10 người, đa phần là khách quen. Mở tiệm không chỉ với suy nghĩ có cho mình một công việc để mưu sinh mà hơn hết anh Quyền muốn tạo cơ hội cho những người như mình. Tiệm anh đã có lúc nhận 4-5 em nhỏ vào làm. Anh Quyền cho biết: “Xoa bóp Niềm Tin chuyên mát-xa, xông hơi, bấm huyệt, lăn đá nóng giúp lưu thông khí huyết, giải nhức mỏi đồng thời phòng và trị một số bệnh thông thường. Trung bình phục vụ một khách được từ 60.000 – 100.000 đồng (tùy theo các loại dịch vụ). Trong tương lai tôi sẽ mở rộng, đầu tư thêm trang thiết bị cho tiệm và nhận các em nhỏ khiếm thị, khuyết tật về dạy nghề, làm việc…”.

Lê Hà


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.