Multimedia Đọc Báo in

Huyện Đoàn Cư M'gar đồng hành với thanh niên trong lập thân, lập nghiệp

14:27, 30/12/2015

Trong những năm qua, Huyện Đoàn Cư M’gar đã thực hiện có hiệu quả việc quản lý nguồn vốn ủy thác, giúp đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tiếp cận các nguồn vốn, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Huyện Cư M’gar hiện có 7.069 ĐVTN, sinh hoạt ở 377 chi đoàn thuộc 42 tổ chức cơ sở Đoàn, trong đó ĐVTN khối nông thôn nhiều nhất, với 2.900 người (chiếm 49,2%). Thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện Đoàn huy động các nguồn lực xã hội để tổ chức các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp cho ĐVTN với các nội dung phong phú, đa dạng và thiết thực. Hiện nay, tổng dư nợ mà tổ chức Đoàn quản lý lên hơn 21 tỷ đồng, bao gồm nhiều kênh như: vốn vay hộ nghèo, vốn vay cho học sinh - sinh viên, vốn vay giải quyết việc làm, vốn vay vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn… Đặc biệt, trong những năm gần đây, Huyện Đoàn còn triển khai xây dựng và sử dụng hiệu quả nguồn vốn “Quỹ khởi nghiệp” dành cho ĐVTN nông thôn. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, hầu hết các hộ ĐVTN đã đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập, đồng thời giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.

Đàn dê khởi nghiệp của gia đình anh Nguyễn Hữu Trí.
Đàn dê khởi nghiệp của gia đình anh Nguyễn Hữu Trí.

Được sự giới thiệu của anh Ngô Điền Phương, Phó Bí thư Huyện Đoàn Cư M’gar, chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất, chế tác đá hoa cương của gia đình anh Nguyễn Thành Lâm Xuân (thôn 1, xã Cư M’gar). Cơ sở khá khang trang, với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, trong nhà có 2-3 công nhân đang miệt mài làm việc. Nghỉ tay đón khách, anh Xuân hồ hởi cho biết: “Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay là nhờ sự giúp đỡ rất lớn từ gia đình và tổ chức Đoàn ở địa phương giúp tôi có động lực, có vốn để phát triển sản xuất”. Năm 2008, sau khi tốt nghiệp THPT, anh ở nhà làm nông nghiệp, rồi cưới vợ. Cả hai vợ chồng đều không nghề nghiệp, nương rẫy không có nhiều, chỉ có 3 sào cà phê cằn cỗi, quần quật quanh năm vẫn không đủ ăn. Được sự tư vấn và hỗ trợ vốn vay không lãi suất từ “Quỹ khởi nghiệp” của Huyện Đoàn cộng với việc từng được học nghề làm đá hoa cương tại TP. Hồ Chí Minh, anh bàn với vợ vay mượn 20 triệu đồng để đầu tư máy móc, trang thiết bị và mở tiệm sản xuất, chế tác đá hoa cương. Nhờ chịu khó học hỏi, tìm tòi cộng với “cái duyên” trong giới thiệu sản phẩm nên khách hàng của anh ngày càng đông. Đến nay, thu nhập từ việc nhận hợp đồng thi công các công trình cộng với chăm sóc 3 sào cà phê mỗi năm mang lại cho gia đình anh trên 100 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, cơ sở sản xuất, chế tác đá hoa cương của anh Xuân còn giải quyết công ăn việc làm cho 2 thanh niên người dân tộc thiểu số tại chỗ với tiền lương hằng tháng trên 3 triệu đồng/người.

Đến thăm mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh Trần Đình Hiến (thôn 2, xã Ea Kpam), nghe anh chia sẻ: Năm 2008, vợ chồng anh được bố mẹ cho một ao cá với diện tích 300 m2. Với nguồn vốn tiết kiệm ít ỏi ban đầu, gia đình không đủ “lực” để đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Vì vậy, được sự giới thiệu của Đoàn xã, anh Hiến đã mạnh dạn vay số tiền 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư phát triển nghề nuôi cá nước ngọt. Anh thuê nhân công mở rộng diện tích mặt nước và bổ sung thêm nhiều giống cá năng suất cao. Đến nay, anh đã mở rộng mô hình lên thành 3 hồ cá với diện tích 1,2 ha, nuôi nhiều giống cá như: trắm, mè, rô phi... Không chỉ dừng lại ở mô hình nuôi cá, anh Hiến còn trồng thêm cao su, cà phê, bắp và nuôi 6 con heo rừng giống. Ước tính bình quân thu nhập của gia đình trong một năm (đã trừ chi phí) đạt trên 150 triệu đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động thời vụ. Cũng như gia đình anh Trần Đình Hiến, mô hình nuôi dê của hộ anh Nguyễn Hữu Trí (tổ dân phố Toàn Thắng, thị trấn Ea Pôk) cũng mang lại thu nhập ổn định sau khi được vay vốn từ “Quỹ khởi nghiệp” của Huyện Đoàn…

Anh Ngô Điền Phương, Phó Bí thư Huyện Đoàn Cư M’gar cho biết: Thực tế cho thấy, không ít thanh niên nông thôn khó khăn trong vấn đề việc làm nên đã rời bỏ quê hương đi làm ăn xa. Có những người sau một thời gian lang bạt đủ nghề ở khắp các địa phương lại quay trở về quê hương, nhưng do không có tư liệu sản xuất, không có vốn nên không có việc làm, dễ sa vào các tệ nạn xã hội. Vì vậy, để thu hút thanh niên nông thôn ở lại địa phương phát triển kinh tế thì điều quan trọng nhất là phải định hướng nghề nghiệp, giúp đỡ bằng mọi hình thức để họ có thể khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát triển kinh tế bền vững. Song song với thực hiện hiệu quả các hoạt động đồng hành hỗ trợ ĐVTN vay vốn, phát triển sản xuất, Huyện Đoàn đã tích cực phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện mở các lớp đào tạo nghề cho lao động là thanh niên nông thôn. Trong năm 2014, Huyện Đoàn cùng với Trung tâm Dạy nghề huyện đã phối hợp tổ chức được 5 lớp đào tạo nghề, thu hút hàng trăm ĐVTN tham gia.

 Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.