Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực đưa hoạt động công đoàn đi vào chiều sâu

05:09, 28/04/2015

Chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) là một trong những nhiệm vụ quan trọng được các cấp công đoàn trong tỉnh chú trọng thực hiện, góp phần giúp người lao động yên tâm, thi đua lao động, cống hiến cho sự nghiệp chung.

Hướng về cơ sở

Toàn tỉnh hiện có 111.036 CNVCLĐ, trong đó số CNVCLĐ do các cấp công đoàn quản lý 82.357 người. Để đẩy mạnh công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, CNVCLĐ, hằng năm, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động hướng về cơ sở, đề ra những mục tiêu và giải pháp cụ thể. Trước hết, công đoàn phối hợp với bộ phận chuyên môn thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở thông qua việc tổ chức hội nghị cán bộ công chức, hội nghị người lao động, ký kết thỏa ước lao động tập thể bảo đảm chất lượng, hiệu quả, phát huy được tính dân chủ trong cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn đã phối hợp, tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp. Qua đó đã phát hiện, nhắc nhở và kiến nghị xử lý những khuyết điểm, sai phạm của một số doanh nghiệp trong ký kết và thực hiện hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, việc xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo hộ lao động... Cùng với đó, trong năm 2014, các cấp công đoàn đã tiếp nhận, tư vấn, giải đáp đơn thư của CNVCLĐ về thanh toán trợ cấp thôi việc, chế độ thất nghiệp, lương, thưởng, nghỉ thai sản… bảo vệ  quyền, lợi ích hợp pháp cho 46 người, trong đó 43 người được giải quyết chế độ thôi việc với số tiền 405 triệu đồng, 1 người trở lại làm việc, 2 người được bảo đảm các quyền lợi khác.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Trần Tuấn Anh thăm hỏi, tặng quà công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn của huyện Krông Pak.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Trần Tuấn Anh thăm hỏi, tặng quà công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn của huyện Krông Pak.

Để công tác vay vốn, hỗ trợ giải quyết việc làm được thực hiện có hiệu quả, LĐLĐ tỉnh đã triển khai 10 dự án vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm với tổng số vốn luân chuyển trên 1 tỷ đồng; giải ngân 562 triệu đồng từ nguồn quỹ “Vì nữ CNVCLĐ nghèo” cho 91 nữ đoàn viên. Cùng với đó, LĐLĐ các huyện, thị xã, công đoàn ngành cũng đã huy động từ nhiều nguồn khác được 6,7 tỷ đồng, giải quyết cho 2.200 lượt nữ CNVCLĐ vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Các dự án cho vay đều đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho đoàn viên, CNVCLĐ.

Hoạt động xã hội, từ thiện, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, CNVCLĐ đã được các cấp công đoàn quan tâm thực hiện. Nhân dịp lễ, Tết trong năm 2014, các cấp công đoàn đã tổ chức thăm hỏi, trao 879 suất quà với tổng số tiền trên 200 triệu đồng cho CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn lao động. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tương thân, tương ái, hướng về ngư dân biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa được các tổ chức công đoàn và CNVCLĐ tích cực hưởng ứng. Ngoài ra, từ quỹ “Mái ấm công đoàn” với sự ủng hộ của các tổ chức khác, LĐLĐ tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố và công đoàn ngành đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa hàng trăm nhà “Mái ấm công đoàn” cho CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn.

Đưa các hoạt động đi vào chiều sâu

Ông Trần Tuấn Anh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: “Hiện nay, ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, nhất là doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, công nhân lao động còn làm việc trong điều kiện khó khăn, nặng nhọc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp. Riêng đối với tổ chức công đoàn từ tỉnh đến cơ sở sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền, cùng với sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng nhằm đưa các hoạt động đi vào chiều sâu, hướng tới người lao động, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa và nơi có đông CNLĐ dân tộc thiểu số”. Trên cơ sở đó, công đoàn các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật cho đoàn viên. Đồng thời, tích cực phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, giám sát, nắm tình hình việc làm, thu nhập, đời sống và các chế độ chính sách khác liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên và người lao động. Bên cạnh đó, tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ về kinh phí của các đơn vị, doanh nghiệp và sự đóng góp của CNVCLĐ để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác xã hội, từ thiện của tổ chức công đoàn, nhất là chương trình hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà “Mái ấm công đoàn”.

Trong Tháng Công nhân 2015 với chủ đề “Công đoàn đồng hành vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, vì việc làm, đời sống của người lao động”, LĐLĐ tỉnh và các cấp công đoàn sẽ triển khai thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa cho CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh. Điểm nhấn trong Tháng Công nhân năm nay là việc tổ chức “Ngày hội công nhân lao động” tại Khu Công nghiệp Hòa Phú và Hội thao CNVCLĐ tỉnh Dak Lak năm 2015, tổ chức gặp mặt - đối thoại giữa công đoàn với người sử dụng lao động và chính quyền cùng cấp, các hoạt động nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tăng cường giúp đỡ CNVCLĐ đặc biệt khó khăn. Đồng thời, phối hợp kiểm tra, tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm nâng cao chất lượng công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ, ý thức đề phòng tai nạn lao động, khắc phục hậu quả tai nạn lao động. Bên cạnh đó, đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động, kiện toàn, củng cố tổ chức công đoàn các cấp; đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở theo quan điểm chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam “Ở đâu  có công nhân, ở đó có tổ chức công đoàn”.

Có thể nói, việc làm tốt công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, giúp họ yên tâm làm việc, lao động sản xuất, cống hiến sức lực và trí lực chính là “chìa khóa” để tổ chức công đoàn thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy của người lao động. 

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.