Nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6)
Để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh
Thông qua các hoạt động chăm sóc y tế, hỗ trợ giáo dục, can thiệp, giúp đỡ trẻ em bị tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại tình dục; tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí… đã tạo cơ hội cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh. Tuy nhiên, về lâu dài, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cần được quan tâm toàn diện và thường xuyên hơn.
Những hồi chuông cảnh báo...
Chị Từ Thị Khanh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết: “Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em thời gian qua vẫn còn nhiều “khoảng tối”. Tình hình trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, trẻ em vi phạm pháp luật tuy không tăng cao nhưng tính chất ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng trẻ em lập băng nhóm gây bạo lực học đường vẫn còn diễn ra ở nhiều trường; số trẻ em bị tai nạn thương tích, nhất là đuối nước và trẻ em dân tộc thiểu số bị dụ dỗ bỏ học đi lao động sớm ngày càng tăng”. Chỉ tính trong năm 2014, toàn tỉnh có 884 trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích, với 66 trường hợp bị tử vong, trong đó 63 em tử vong do tai nạn đuối nước (tăng 17 em so với năm 2013). Toàn tỉnh xảy ra 70 vụ xâm hại trẻ em với 75 trẻ em bị xâm hại, trong đó có 47 trẻ em bị xâm hại tình dục; có 266 trẻ em lao động xa gia đình, làm việc chủ yếu tại các tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai (tăng 166 em so với năm 2013). Tình hình vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên là 189 vụ với 303 đối tượng. Những con số trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho cả cộng đồng về công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em.
Lãnh đạo Sở LĐTBXH cùng chính quyền địa phương tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xã Ea Hiao (huyện Ea H'leo). |
Chẳng hạn, mới đây nhất vào ngày 22-3, tại buôn Jung A (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) xảy ra vụ tai nạn đuối nước làm 2 em H’Nin Niê (10 tuổi) và H’Li Hà Êban (9 tuổi) tử vong. Trưa hôm đó H’Li tổ chức sinh nhật có mời H’Nin sang dự. Sau buổi tiệc, H’Li xin phép bà ngoại cho đi chơi cùng H’Nin nhưng mãi đến chiều tối không thấy về, gia đình đi tìm và phát hiện 2 cháu đã chết đuối dưới ao. Cả 2 cháu đều là con của hộ nghèo trong buôn, bố mẹ thường xuyên đi làm ăn xa, các cháu ở cùng bà ngoại. Sự việc đau lòng trên không chỉ để lại nỗi đau cho gia đình, buôn làng nơi các cháu sinh sống mà còn cho thấy nhiều mặt hạn chế trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là việc trang bị kỹ năng sống cho trẻ.
Bên cạnh tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích ngày càng nhiều thì vấn đề trẻ em bị dụ dỗ đi lao động sớm đang trở thành nỗi lo của các cấp, ngành, địa phương và nhiều gia đình. Theo thống kê chưa đầy đủ của các địa phương trên địa bàn tỉnh, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2015 đã có 102 trẻ em từ 9 - 16 tuổi bị dụ dỗ đi lao động sớm tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương. Hầu hết các em đều được ký hợp đồng lao động rất sơ sài, không có tính pháp lý; bị bóc lột sức lao động, mỗi ngày làm việc từ 11-12 giờ, không bảo đảm các điều kiện ăn uống, nghỉ ngơi. Thậm chí nhiều em bị bạn bè lôi kéo, rủ rê đi nên gia đình không biết các em đang ở đâu, làm gì. Mức thù lao các em nhận được là 18 triệu đồng/2 năm và chỉ được chủ thanh toán sau khi hết thời gian làm việc. Do công việc quá vất vả, nhiều em muốn về nhà nhưng không dám bỏ việc giữa chừng vì sợ chủ không trả tiền hoặc bắt bồi thường hợp đồng.
Cần sự quan tâm toàn diện, thường xuyên hơn
Qua thực tế trên, có thể thấy công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em đang còn nhiều hạn chế, cần có sự can thiệp kịp thời của các cấp, ngành và toàn xã hội. Với vai trò là cơ quan chuyên trách, thời gian qua, Sở LĐTBXH đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ phòng ngừa và hạn chế thấp nhất tình hình trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt thông qua việc xây dựng đường dây nóng tư vấn miễn phí (05003.951.567), tổ chức nhiều hoạt động truyền thông như: nói chuyện chuyên đề về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, phòng chống xâm hại tình dục, tai nạn thương tích trẻ em; in và cấp phát 2.270 cuốn hỏi đáp về phòng chống HIV/AIDS cho các địa phương; hướng dẫn xây dựng 113 xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; tổ chức nhiều hoạt động truyền thông lớn như Tháng hành động vì trẻ em, Tết trung thu cổ truyền. Đồng thời, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tại 13 xã mô hình và 10 trường THCS, các câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em, câu lạc bộ Ông bà cháu; phối hợp giải quyết tình trạng trẻ em dân tộc thiểu số bị dụ dỗ bỏ học đưa đi lao động tại TP. HCM; can thiệp, tư vấn, trợ giúp cho 100 em gặp vấn đề về tâm lý, bị bạo hành, xâm hại… Bên cạnh đó, công tác chăm sóc trẻ em đã được chú trọng, hơn 6.000 trẻ em khuyết tật, mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được chăm sóc, nuôi dưỡng, tặng quà, khám chữa bệnh miễn phí; phối hợp với Tỉnh Đoàn tổ chức dạy bơi cho 300 em nhằm trang bị kỹ năng bơi lội, khả năng ứng cứu cũng như giải quyết kịp thời các tình huống xảy ra khi bị đuối nước. Ngoài ra, Sở LĐTBXH cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh đưa vào hoạt động mạng lưới cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại 2.470 thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Trường, Giám đốc Sở LĐTBXH, để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần cần có sự quan tâm toàn diện, thường xuyên hơn của các cấp, ngành, địa phương, gia đình và cả xã hội. Trước mắt là nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hành động của cán bộ, đảng viên, cộng đồng và gia đình trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, bảo đảm mọi trẻ em đều được yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng trong điều kiện tốt nhất. Đồng thời, quan tâm, bố trí kinh phí tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng công tác xã hội cho đội ngũ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tăng cường phối hợp triển khai các chương trình, đề án, mô hình bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em...
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc