Multimedia Đọc Báo in

Phòng tránh đuối nước cho trẻ: Cần cộng đồng trách nhiệm!

05:50, 30/05/2015
Trong những năm qua, tình trạng đuối nước ở trẻ em có xu hướng gia tăng. Nỗi lo này càng nhân lên trong dịp hè và nhất là khi công tác phòng tránh đuối nước còn có những khó khăn, bất cập… 

Gia tăng tai nạn đuối nước ở trẻ em

Toàn tỉnh có nhiều ao, hồ, sông, suối, thác nước và nằm rải rác đều khắp, bên cạnh đó số giếng nước của các hộ gia đình tương đối lớn. Đặc điểm chung của các hồ, đập đa số đều sâu, lòng chảo, trong khi đó hệ thống rào chắn, biển báo, biển cấm đề phòng nguy hiểm hầu như không có và không được chú trọng. Mặt khác, một số hộ gia đình nông thôn sử dụng nước giếng đào hoặc bể chứa nước nhưng thường không có nắp đậy hoặc nắp đậy không an toàn. Đây được xem là những nguy cơ tiềm ẩn gây ra tai nạn đuối nước cho nhiều em nhỏ. Và thực tế cũng cho thấy, trong những năm gần đây, tai nạn đuối nước đã trở thành một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và vị thành niên. Theo thống kê của ngành Y tế trong toàn tỉnh, năm 2010 có 52 em và năm 2011 có 63 em tử vong do đuối nước. Còn theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thì trong năm 2014, có 63 em tử vong do tai nạn đuối nước (tăng 17 em  so với năm 2013). Riêng trong 4 tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 8 trường hợp trẻ bị tử vong do tai nạn đuối nước (Krông Pak: 3 em, huyện Cư Kuin: 2 em, Ea Kar: 2 em và TP. Buôn Ma Thuột: 1 em)… Qua những con số trên có thể dễ dàng nhận thấy tình hình trẻ em bị tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh thường xuyên có chiều hướng tăng và ngày càng khó kiểm soát. Phần lớn các trường hợp đuối nước xảy ra khi không có người lớn bên cạnh. Một số trường hợp tuy được phát hiện kịp thời, được đưa lên bờ, tuy nhiên cũng bị tử vong do người sơ cứu đuối nước chưa có đủ kiến thức, kỹ năng sơ cứu…

Trẻ em học bơi tại hồ bơi Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh.
Trẻ em học bơi tại hồ bơi Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh.

Xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ

Nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành trong việc phòng tránh thương tích cho trẻ em, trong năm 2014, Sở LĐ-TB&XH đã chủ động phối hợp với Tỉnh Đoàn tổ chức dạy bơi cho 300 em thiếu nhi. Để tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về tai nạn đuối nước, Sở LĐ-TB&XH cũng đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông phát hành ấn phẩm băng đĩa đẩy mạnh tuyên truyền trên đài truyền thanh của 184 xã phường, thị trấn và đài PT-TH các huyện cả năm 2014 và 2015. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH cũng tích cực xây dựng và nhân rộng mô hình “Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em” cho 3 xã thuộc các huyện Krông Buk, Ea Súp và Buôn Đôn với 120 hộ gia đình tham gia, nâng số xã xây dựng mô hình này lên 37 xã, trong đó có 10 xã điểm cấp tỉnh; tập huấn cho hơn 320 cộng tác viên và 120 trẻ em nòng cốt về kỹ năng sơ cấp cứu các loại tai nạn thương tích trẻ em tại các huyện: Krông Buk, Ea Súp, Buôn Đôn, thị xã Buôn Hồ…

Tuy nhiên, theo bà Từ Thị Khanh, Trưởng Phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH), khó khăn và cũng là điều quan trọng nhất là việc đào tạo kỹ năng bơi và khả năng sơ cứu cho trẻ. Thực tế công tác này có thực hiện nhưng số lượng còn ít, các cơ sở dạy bơi cho thanh thiếu nhi lại thiếu, toàn tỉnh mới có TP. Buôn Ma Thuột, huyện Ea Kar đã có hồ bơi và đáp ứng yêu cầu dạy bơi. Ngay trong năm 2015, do thiếu kinh phí, có khả năng Sở sẽ không thực hiện được chương trình dạy bơi cho trẻ, đây là một trong những điều trăn trở của những người làm công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Cũng theo bà Khanh, để khắc phục những thiếu sót trên, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, các tổ chức xã hội, đoàn thể, gia đình và nhà trường nhằm xây dựng một môi trường an toàn cho trẻ. Các cấp chính quyền nên chú ý tiếp tục xây dựng các biển báo, biển cấm tại những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước và triển khai mô hình “Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em” theo hướng vừa tập trung, vừa rộng rãi cho mọi gia đình có trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 6 tuổi. Đặc biệt là cần chủ động, thường xuyên tổ chức các lớp dạy bơi, kỹ năng sơ cấp cứu và đào tạo đội ngũ giáo viên dạy bơi cho trẻ em. Tăng cường nguồn lực kinh phí cho công tác trẻ em, trong đó cần đầu tư kinh phí xây dựng các điểm vui chơi, tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh để thu hút trẻ…

 Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc