Multimedia Đọc Báo in

Câu lạc bộ Điều phối viên: Sân chơi bổ ích của thanh niên năng động

07:27, 28/06/2015
Những vòng ôm thân ái, cái bắt tay xiết chặt, những lời tâm sự cùng nụ cười, nước mắt của các “chiến sĩ nhí” khi chia tay với các điều phối viên tại buổi xuất ngũ Chương trình “Học kỳ trong quân đội” 2015 là những hình ảnh thể hiện sự gắn bó, thân thiết, tình cảm yêu thương, quý mến của các em thanh thiếu nhi đối với đội ngũ điều phối viên – những người trực tiếp cùng sinh hoạt, dìu dắt các em trong những ngày tham gia Chương trình.
 
Không riêng gì các em thanh thiếu nhi tham gia “Học kỳ trong quân đội” mà hầu hết tại các chương trình thực nghiệm rèn luyện như: “Một ngày trải nghiệm”, “Học làm người có ích”, “Hành trình lãnh đạo trẻ”... các em cũng đều dành nhiều tình cảm cho các thành viên của Câu lạc bộ Điều phối viên – Nhà Văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh.
Điều phối viên hướng dẫn các em thanh thiếu nhi tập dân vũ trong Chương trình
Điều phối viên hướng dẫn các em thanh thiếu nhi tập dân vũ trong Chương trình "Học kỳ trong quân đội" 2015.

Được thành lập từ năm 2011 với 10 thành viên tham gia, đến nay Câu lạc bộ Điều phối viên có 25 thành viên hoạt động thường xuyên (chủ yếu là sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh), chưa kể lực lượng cộng tác viên được huy động tham gia khi có các hoạt động, chương trình lớn được tổ chức. Thật khó để hình dung công việc cụ thể của một người điều phối viên là gì, bởi tính chất đa dạng, phong phú. Trong một chương trình cụ thể, điều phối viên có thể là một người quản trò, có thể là người luôn đứng sau sân khấu, một người điều tiết chương trình, có thể là diễn viên trên sân khấu, chỉ là người chạy mic, cũng có thể là người ổn định đám đông ở dưới sân khấu... Do vậy để trở thành một người điều phối viên “đúng chuẩn” thì yêu cầu thành viên ấy phải có những tố chất nhất định như: sự năng động, sáng tạo, nhiệt tình, có trách nhiệm, biết hoạt náo, có kỹ năng nói trước công chúng, có khả năng xây dựng kế hoạch...

Là một “cựu chiến sĩ nhí” từng tham gia Chương trình “Học kỳ trong quân đội” những năm trước và cũng trưởng thành dần từ đó, bạn Đỗ Minh Tuấn, thành viên Câu lạc bộ Điều phối viên chia sẻ: Tùy từng chương trình mà vai trò, nhiệm vụ của người điều phối viên sẽ khác nhau. Chẳng hạn như trong Chương trình “Học kỳ trong quân đội” vừa qua, thì điều phối viên chính là người luôn đồng hành, theo sát cùng các em thanh thiếu nhi, là cầu nối giữa gia đình, ban tổ chức và các em. Lúc cần thiết, người điều phối viên là một diễn viên trên sân khấu biểu diễn theo chương trình tự thiết kế; lúc các em khóc thì là người đứng bên an ủi các em; lúc các em nhớ nhà thì là người động viên các em; khi các em bị cán bộ khung phạt thì người điều phối viên chính là người khuyên răn, nhắc nhở các em và kết hợp với cán bộ khung giáo dục, khuyên bảo các em... Có những tình huống người điều phối viên phải xử lý giống như một nhà giáo, như cha mẹ, anh chị của các em vậy, có lúc lại đóng vai của một người bạn để chia sẻ tâm tình cùng các em...

Thực tế sau mỗi chương trình, bên cạnh sự tiến bộ, trưởng thành khi tham gia rèn luyện, nhiều thanh thiếu nhi vẫn giữ liên lạc với các điều phối viên bằng cách nhắn tin, gọi điện thoại, viết thư rất tình cảm, tự làm những món quà gửi tặng, hẹn ngày gặp lại... Đó là những tình cảm quý báu, chân thành của các em đối với các điều phối viên và cũng là sự thành công của mỗi chương trình. Bạn Đinh Thị Liên, một điều phối viên sinh hoạt lâu năm và có nhiều kinh nghiệm tâm sự: “Mặc dù thời gian trải nghiệm của các thanh thiếu nhi khi tham gia các chương trình rèn luyện không nhiều, nhưng đồng hành cùng các em, chứng kiến sự thay đổi tích cực, tiến bộ, trưởng thành hơn của các em đó là niềm vui, niềm hạnh phúc và tự hào của mỗi điều phối viên. Khi chia tay tại mỗi chương trình, được các em nói lời cảm ơn chân thành, bịn rịn với những giọt nước mắt xúc động thì mình cũng xúc động theo... Thậm chí có những em sau khi về với gia đình đã nhắn tin hỏi: “Làm như thế nào để em trở thành một điều phối viên?”, “Để làm một điều phối viên em phải học, phải thi ra sao?”... như vậy cũng đồng nghĩa các điều phối viên đã tạo ấn tượng rất tốt với các em và được các em xem là một hình mẫu để các em hướng tới. Và đó cũng là động lực để mình càng thêm cố gắng rèn luyện hơn...”.

Anh Nguyễn Thành Trung Việt, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Điều phối viên cho biết: Tuy công việc của người điều phối viên trong một chương trình rất vất vả, nhưng hầu như ai cũng đều rất nhiệt tình, làm tròn và thực hiện tốt trách nhiệm của mình. Khi tham gia Câu lạc bộ, các thành viên được trau dồi từ kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng làm việc nhóm, đến các kỹ năng mềm, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng tổ chức sinh hoạt tập thể, kỹ năng thực hành xã hội... Đặc biệt, đối với các điều phối viên, được tham gia, trải nghiệm qua mỗi chương trình thực tế sẽ rút ra được những kinh nghiệm, học hỏi được rất nhiều điều, trưởng thành hơn, rèn luyện tốt hơn các kỹ năng phục vụ cho công tác Đoàn, Hội cũng như cho chính bản thân từng thành viên của Câu lạc bộ... Để thu hút, tạo sự gắn kết giữa các thành viên, Câu lạc bộ luôn đổi mới hình thức, nội dung các buổi sinh hoạt định kỳ như: thay đổi địa điểm sinh hoạt phù hợp với các chủ đề (không gian trong nhà, ngoài trời, dã ngoại...), tập huấn nhiều kỹ năng mới, đang được giới trẻ quan tâm, yêu thích; đồng thời tích cực phối hợp, tham gia các chương trình, hoạt động lớn do Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi, Tỉnh Đoàn tổ chức; giữ liên lạc thường xuyên với các thành viên cũ, với đội ngũ cộng tác viên... Với phương châm hoạt động “nhiệt huyết, năng động, sáng tạo”, Câu lạc bộ Điều phối viên đang ngày càng trưởng thành hơn, tạo sân chơi bổ ích, lý thú cho những bạn trẻ năng động.

Lan Phương


Ý kiến bạn đọc