Thấy gì qua khảo sát chất lượng cán bộ Đoàn chuyên trách cấp xã?
Tỉnh ta hiện có 15 đơn vị hành chính cấp huyện với 152 xã, 20 phường, 12 thị trấn; 2.470 buôn, thôn, tổ dân phố; 608 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 183/184 đồng chí (đang khuyết Bí thư Đoàn xã Ea Tam, huyện Krông Năng), trong đó có 152 nam, 31 nữ. Có 48 đồng chí người dân tộc thiểu số (Êđê: 22; M'nông: 7; Tày: 5; Nùng: 8; Thái: 3; Dao: 2; H’rê: 1). Có 178/183 đồng chí là đảng viên (chiếm 97,26%). Về cơ bản, đội ngũ cán bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh đã từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn theo Quy chế Cán bộ Đoàn và Quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ (ban hành kèm theo Quyết định số 397 QĐ/TU ngày 4-1-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy). Khi khảo sát về chất lượng lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác Đoàn của cán bộ Đoàn chuyên trách cấp xã (Bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn) vào cuối năm 2014, có 79/90 đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền được hỏi đều trả lời “tốt” (chiếm 87,7%), 10/90 trả lời “chưa tốt” (11,11%). Trong số 183 đồng chí cán bộ Đoàn xã, phường, thị trấn hiện tại thì có 17 đồng chí từng được Trung ương Đoàn, Trung ương Hội khen thưởng, 79 đồng chí từng được khen thưởng cấp tỉnh và 133 đồng chí từng được khen thưởng cấp huyện. 153/183 đồng chí được cơ cấu cấp ủy (chiếm 83,60%); 106/183 đồng chí đã được phê duyệt quy hoạch và các chức danh tương đương và cao hơn (57,92%). Bí thư Đoàn cấp xã nhỏ tuổi nhất là 23 tuổi (Y Xuyên Mnông, Bí thư Đoàn xã Ea R’bin, huyện Lak sinh năm 1992).
Rèn luyện kỹ năng cho cán bộ Đoàn là công việc cần thiết để nâng cao chất lượng công tác Đoàn. |
Trên thực tế, nhiều chủ trương, chính sách chưa được quan tâm triển khai thực hiện đúng mức. Đội ngũ cán bộ Đoàn chuyên trách tuyến xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau; còn đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác. Công tác đoàn kết tập hợp thanh niên, nhất là thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo trong giai đoạn hiện nay còn có rất nhiều trở ngại; những diễn biến phức tạp của tình hình an ninh, chính trị trong nước và quốc tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng của đoàn viên, thanh niên; sự quan tâm và tạo điều kiện của một số cấp ủy Đảng, chính quyền và địa phương đến tổ chức Đoàn thanh niên tại các xã chưa đúng mức; việc tạo điều kiện về cơ chế chính sách cho tổ chức Đoàn chưa được quan tâm; chưa mạnh dạn giao cho tổ chức Đoàn đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Chất lượng cán bộ Đoàn các xã vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn thấp; địa bàn rộng, thông tin chưa kịp thời, rào cản ngôn ngữ giữa cán bộ Đoàn người Kinh và thanh niên dân tộc thiểu số; việc bố trí cán bộ là người dân tộc thiểu số tại các xã vùng đồng bào dân tộc chưa đảm bảo. Cán bộ Đoàn cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng bài bản chưa nhiều, làm việc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Nhiều Bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh vừa công tác vừa đi học. Nhiều cán bộ Đoàn chuyên trách cấp xã chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ; năng lực lãnh đạo còn nhiều hạn chế. Theo kết quả khảo sát, về trình độ, hiện có 182/183 đồng chí tốt nghiệp trung học phổ thông (chiếm 99,45%), 52 đồng chí có trình độ đại học, 2 đồng chí trình độ cao đẳng, 115 đồng chí trung cấp, 14 đồng chí chưa qua đào tạo trình độ chuyên môn (7,65%). Về lý luận chính trị, có 157 đồng chí trình độ trung cấp; 16 đồng chí sơ cấp; 10 đồng chí chưa qua đào tạo lý luận chính trị. Về ngoại ngữ, 31/183 đồng chí có trình độ B tiếng Anh, 21 đồng chí có trình độ A, 131 đồng chí chưa qua đào tạo ngoại ngữ. Về tin học, có 1 đồng chí là kỹ thuật viên, 36 đồng chí có trình độ B, 51 đồng chí có trình độ A và 95 đồng chí chưa qua đào tạo tin học. Về loại hình đào tạo, chỉ có 58/183 đồng chí được đào tạo chính quy (31,69%); có đến 111/183 đồng chí đào tạo tại chức (chiếm 60,65%). Cá biệt có trường hợp Bí thư Đoàn xã mới chỉ học lớp 10/12 (Y Thuần Niê, Bí thư Đoàn xã Ea Kuêh, huyện Cư M'gar) hay vừa công tác vừa đi học bổ túc trung học phổ thông như một số trường hợp của huyện Lak trong thời gian vừa qua. Theo Quy chế Cán bộ Đoàn, tiêu chuẩn cán bộ Đoàn cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) được quy định rõ: 1) Trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, trình độ lý 1uận chính trị sơ cấp; 2) Giữ chức vụ không quá 35 tuổi, đối với vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, đối tượng chính sách, trình độ văn hóa nói chung từ tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên, đã được bồi dưỡng chương trình lý luận chính trị sơ cấp, giữ chức vụ không quá 37 tuổi. Như vậy, chúng ta thấy vẫn còn một bộ phận cán bộ Đoàn chuyên trách cấp xã trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng tiêu chuẩn của Quy chế Cán bộ Đoàn về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị. Một vài địa phương, đơn vị do chưa làm tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn nên dẫn đến tình trạng thiếu hụt cán bộ, chưa bổ sung, thay thế kịp thời, hoặc trường hợp cán bộ Đoàn lớn tuổi nhưng chưa thể luân chuyển, vẫn phải tiếp tục làm công tác Đoàn khi đã quá tuổi quy định như đồng chí Lê Minh Thắng, Bí thư Đoàn xã Ea Sol, huyện Ea H’leo (sinh năm 1969). Có đồng chí chưa trải qua các lớp tập huấn chuyên sâu về kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đoàn, Hội, Đội, nhưng lại bố trí vào vị trí Bí thư Đoàn cấp xã. Kinh phí hoạt động hằng năm được ngân sách Nhà nước bố trí hiện tại chỉ 7 triệu đồng/xã (chưa trừ tiết kiệm chi) nên không đáp ứng được các hoạt động của Đoàn. Chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ Đoàn còn thấp so với mức sống nên phần nào đã ảnh hưởng đến tư tưởng của cán bộ Đoàn, nhiều đồng chí chưa thật sự yên tâm trong công tác. Địa bàn giữa các thôn, buôn rất rộng, giao thông khó khăn, địa hình phức tạp... cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của người cán bộ Đoàn cơ sở. Những khó khăn, tồn tại, hạn chế nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự lãnh đạo và chỉ đạo công tác Đoàn tại cơ sở; đang rất cần những giải pháp cụ thể, toàn diện của các cấp có thẩm quyền để đưa ra giải pháp giải quyết kịp thời, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Đội ngũ cán bộ Đoàn hoạt động chính trị - xã hội trong thanh niên, có vị trí vai trò quan trọng trong việc phát triển phong trào và xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh, là nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với việc củng cố, phát triển tổ chức và hoạt động của Đoàn, đặc biệt là tổ chức cơ sở Đoàn. Chất lượng của tổ chức cơ sở Đoàn phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của người cán bộ Đoàn cơ sở - cán bộ Đoàn chuyên trách. Hoạt động của cơ sở Đoàn có hiệu quả, thiết thực, ý nghĩa và phát huy hết được tiềm năng của tuổi trẻ hay không, là do vai trò quyết định của cán bộ Đoàn cơ sở đó. Nhất là trong bối cảnh, kinh tế - xã hội đã có nhiều thay đổi, đòi hỏi cán bộ Đoàn cũng phải đổi mới, nâng cao trình độ, nhận thức để đáp ứng yêu cầu công tác Đoàn trong thời kỳ mới. Nhu cầu của thanh niên hiện nay rất đa dạng, đa chiều, phong trào thanh niên vận động không ngừng, do đó, xây dựng một đội ngũ cán bộ Đoàn chuyên trách cấp xã đủ sức đáp ứng với tình hình thực tiễn hiện nay là một việc vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài.
Đặng Gia Duẩn
(Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn)
Ý kiến bạn đọc