Multimedia Đọc Báo in

Cải thiện và nâng cao chất lượng dân số - nhìn từ việc triển khai các mô hình

12:25, 10/07/2015

Những năm qua, bằng việc triển khai những mô hình nâng cao chất lượng dân số tại các địa phương trong tỉnh, công tác dân số trên địa bàn đã có những chuyển biến quan trọng, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống…

Một trong những mô hình đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn là Câu lạc bộ (CLB) tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân. Năm 2011, mô hình này được Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh triển khai thí điểm tại một số xã của 2 huyện Krông Pak và Krông Năng với mục tiêu nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hành chăm sóc sức khỏe sinh sản trong vị thành niên - thanh niên. Để mô hình hiệu quả, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương mở lớp tập huấn kỹ năng tư vấn thu hút các bạn trẻ tham gia mô hình cùng cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số và chủ nhiệm các câu lạc bộ... Nhờ vậy, sau hơn 3 năm triển khai, mô hình đã trở thành kênh thông tin hữu ích của nhiều bạn trẻ. Thông qua nội dung sinh hoạt các CLB đã cung cấp cho vị thành niên - thanh niên trên địa bàn nhiều kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tâm sinh lý lứa tuổi… giúp giới trẻ thay đổi nhận thức, chủ động tham gia khám sức khỏe trước khi kết hôn, biết sử dụng các biện pháp tránh mang thai ngoài ý muốn; khi mang thai đã đến cơ sở y tế để khám sàng lọc trước, trong và sau sinh.
Cán bộ chuyên trách dân số xã Cư Đrăm (Krông Bông) tuyên truyền chính sách  DS-KHHGĐ cho người dân.                                                        Ảnh: Vân Anh
Cán bộ chuyên trách dân số xã Cư Đrăm (Krông Bông) tuyên truyền chính sách DS-KHHGĐ cho người dân. Ảnh: Vân Anh

Tại huyện Krông Pak, 2 CLB tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân ở xã Hòa Tiến thực sự là “sân chơi” bổ ích cho vị thành niên - thanh niên, bởi khi tham gia họ không chỉ được cung cấp các kiến thức cần thiết mà còn rèn luyện được kỹ năng giao tiếp ứng xử với mọi người, đặc biệt là với bạn khác giới. Bạn Lương Hoàng Kim Chi, thành viên CLB tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân ở thôn 1, xã Hòa Tiến chia sẻ: “Tham CLB, em  được trang bị kỹ năng sống và những kiến thức cơ bản về sức khỏe sinh sản. Đây là  hành trang hữu ích cho em khi  bước vào cuộc sống hôn nhân sắp tới”. Có lẽ, chính từ những hiệu quả thiết thực ấy mà mô hình CLB tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân ngày càng phát triển và mở rộng tại các địa phương. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã xây dựng được 40 CLB tại 20 xã thuộc 4 huyện, thành phố là Ea Kar, Krông Pak, Krông Năng và Buôn Ma Thuột.

Cùng với mô hình CLB tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân, những năm qua, để góp phần nâng cao chất lượng dân số, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh còn triển khai nhiều mô hình khác như: Can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; Sàng lọc trước sinh và sơ sinh; Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; đẩy mạnh chiến dịch “Tăng cường tuyên truyền vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến vùng đông dân, có mức sinh cao và vùng khó khăn” để cung cấp thuốc, vật tư và thực hiện các gói dịch vụ KHHGĐ cho người dân. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp từ  tuyên truyền, vận động đến mở rộng các mô hình, chất lượng dân số của tỉnh đang được nâng lên rõ rệt. Trong giai đoạn 2011-2015, mức giảm sinh hàng năm luôn đạt và vượt chỉ tiêu tỉnh giao; tỷ số giới tính khi sinh dao động từ 108 - 111 bé trai/100 bé gái; chỉ tiêu tỷ lệ giảm sinh đạt theo kế hoạch (năm 2011 mức giảm sinh 0,8%o;  năm 2014 là 0,5%o); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trung bình ở mức 14%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trên địa bàn năm 2014 thể cân nặng/tuổi 21,5%, thể chiều cao/tuổi 32,8%, giảm khoảng 3% so với năm 2011; hầu hết phụ nữ khi mang thai đã được khám thai định kỳ, tiêm vắc xin phòng bệnh và được cung cấp những kiến thức cơ bản về chăm sóc trẻ, thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ...

Có thể thấy, hoạt động của các mô hình dân số đã góp phần không nhỏ vào việc cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện ở các thôn, buôn đã nảy sinh không ít khó khăn làm hạn chế đến việc nhân rộng mô hình. Ông Hoàng Châu, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Krông Năng cho biết: “Sau một thời gian triển khai thí điểm, các mô hình dân số đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Do đó, chúng tôi cũng rất muốn nhân rộng các mô hình này trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện. Song, để làm được điều đó cần phải có sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể trong huyện. Bên cạnh đó, để mở rộng và duy trì hoạt động của các mô hình thì cần phải có kinh phí, trong khi hiện tại kinh phí cho công tác DS-KHHGĐ đang bị cắt giảm...”.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.