Những đảng viên dám nghĩ, dám làm ở huyện Ea H'leo
Xuất phát điểm khác nhau và chọn cho mình hướng phát triển kinh tế riêng, song tất cả họ có điểm chung là táo bạo trong cách nghĩ, năng động trong cách làm, cần cù yêu lao động nên sớm trở thành “tỷ phú” ở huyện Ea H’leo, là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó để bà con “noi theo”.
Tuổi cao nêu gương sáng
Về buôn Hoai (xã Ea Sol, huyện Ea H’leo) ai cũng dễ dàng nhận thấy sự đổi thay trong đời sống của người dân nơi đây. Vùng đất cằn cỗi ngày nào giờ đã phủ xanh bạt ngàn cà phê, hồ tiêu. Đổi thay ấy có phần đóng góp không nhỏ của Bí thư Chi bộ Siu Lóa (70 tuổi). Như “người thân” trong gia đình, ông Siu Lóa luôn gần gũi, lắng nghe bà con bày tỏ tâm tư, nguyện vọng; không những vậy ông còn kịp thời khuyên giải, can ngăn những việc làm sai trái nhằm thắt chặt tình làng nghĩa xóm.
Ông Siu Lóa đang chăm sóc vườn tiêu của gia đình. |
Cũng như nhiều bà con trong buôn, trước đây vợ chồng Siêu Lóa chỉ biết trồng cây ngô, cây đậu nên dù làm lụng vất vả quanh năm vẫn thiếu ăn. Với quan niệm "nông dân đi từ đất mà lên", Siêu Lóa chuyển 400 m2 trồng hoa màu sang trồng cà phê. Cùng với mở rộng diện tích, Siêu Lóa mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất cây trồng trên một đơn vị canh tác. Cách đây vài năm, nhận thấy cây hồ tiêu phù hợp với khí hậu, đất đai ở đây, Siu Lóa quyết tâm phải làm giàu từ cây trồng này. Ngoài tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do Hội Nông dân xã tổ chức, ông còn đến tận các mô hình trồng hồ tiêu đạt hiệu quả cao để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm để cây tiêu không mắc bệnh, đạt năng suất cao. Sau nhiều năm miệt mài lao động từ mảnh vườn chỉ vọn vẹn 400 m2, đến nay gia đình ông nay đã có 2,5 ha tiêu; 2,5 ha cà phê và 1 ha hoa màu..., bình quân mỗi năm thu về hơn 1 tỷ đồng sau khi đã trừ hết các khoản chi phí. Điều đáng trân trọng ở đảng viên lớn tuổi này là tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, với bà con nghèo. Ông Siu Lóa thường “rỉ tai” nhiều hộ trong buôn mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. “Tiếng lành đồn xa”, nhiều nông dân ở các địa phương khác trong tỉnh đã đến tham quan mô hình làm kinh tế, để được nghe ông trao đổi kiến thức, kinh nghiệm làm giàu trên chính đồng đất của mình. Giờ đây, khi đã có “của ăn của để”, đảng viên Siu Lóa dành nhiều thời gian khuyên nhủ con cháu học tập, trở thành người có ích cho xã hội. Với ông Siu Lóa làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương bằng bàn tay và khối óc, lo cho con cái ăn học trưởng thành là niềm vui, niềm tự hào lớn nhất.
Luôn đồng hành cùng người nghèo
Ông Vũ Xuân Trà bên vườn tiêu của gia đình. |
Là một cựu binh, đảng viên Vũ Xuân Trà (tổ dân phố 6, thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo) được biết đến là một tấm gương sáng “dám nghĩ, dám làm”. Năm 1987, ông Trà đưa vợ con từ tỉnh Nam Định vào huyện Ea H’leo lập nghiệp với bao khó khăn, thiếu thốn. Nhưng với bản tính chăm chỉ, chịu khó làm việc sau một thời gian ông đã tích góp mua được 5 ha đất để phát triển kinh tế nông nghiệp. Trên diện tích này, ông trồng 3 ha cà phê, 2 ha hồ tiêu, hằng năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Hiện nay, hồ tiêu đang có giá cao mỗi năm ông thu hơn 1 tỷ đồng. Từ nguồn thu nhập dôi dư trong sản xuất nông nghiệp, ông đầu tư mở dịch vụ tiệc cưới để tăng thêm nguồn thu nhập. Nhờ làm kinh tế nông nghiệp kết hợp với dịch vụ, giờ đây kinh tế gia đình ông đã khấm khá, nhà cửa khang trang, mua sắm thêm được máy móc phục vụ sản xuất và phương tiện sinh hoạt có giá trị, con cái được học hành. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Trà còn giúp những cựu binh khó khăn ở địa phương vay vốn không tính lãi mỗi năm khoảng 100 triệu đồng để mua vật tư phát triển sản xuất. Với cương vị Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh tổ dân phố 6, ông vận động hội viên góp vốn để cho những người khó khăn vay không tính lãi phát triển sản xuất, với mức 1,5 triệu đồng/năm, nhờ đó đến nay trong chi hội không còn hộ nghèo. Chưa hết, hằng năm ông còn dành 3 sổ tiết kiệm (mỗi sổ 1 triệu đồng) tặng 3 gia đình liệt sỹ. Noi gương ông, các thành viên trong gia đình đều tham gia công tác thiện nguyện; vợ ông là người sáng lập tổ thiện nguyện hằng tháng tổ chức nấu cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo ở bệnh viện Đa khoa huyện; trao quà cho người dân ở những khu vực khó khăn. Bí thư Đảng ủy Thị trấn Ea Drăng Lưu Đăng Thuyết nhận xét: “Đồng chí Trà là một trong những gương điển hình biết vượt qua khó khăn để vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Ông Trà rất năng nổ, nhiệt tình, có ý thức trách nhiệm cao trong công việc, được đồng chí, đồng đội và bà con quý mến. Không những thế, còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và giúp đỡ những hộ hội viên có hoàn cảnh khó khăn về vốn; tạo việc làm cho một số lao động địa phương và tích cực giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn…”
Đảng viên trẻ “mê” làm kinh tế
Năm nay vừa tròn 33 tuổi, nhưng Y Nguat Niê (buôn Riêng A, xã Ea Nam) có một cơ ngơi mà nhiều người “nằm mơ cũng không có”. Đó là 16 ha cà phê đang thời kỳ kinh doanh mỗi năm thu hoạch hơn 27 tấn cà phê nhân và 2 ha mì cao sản. Trong vườn cà phê, Y Nguat trồng xen nhiều loại cây ăn trái vừa để che bóng mát cho cà phê, vừa tăng thêm thu nhập. Gần đây thấy nhiều nông dân giàu lên nhờ trồng hồ tiêu, Y Nguat cũng trồng thử 100 trụ. Y Nguat nói: “Nhiều hộ thành công, nhưng cũng không ít gia đình trắng tay vì cây hồ tiêu, vì vậy mình cũng chỉ trồng để thử nghiệm xem có phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây không. Nếu sau một hai năm số hồ tiêu này phát triển tốt, không mắc bệnh, mình mới phá bỏ một phần diện tích cà phê già cỗi để trồng”. Kinh nghiệm sản xuất này được vợ chồng Y Nguat đúc rút sau nhiều năm gắn bó với cây cà phê. Như một “kỹ sư nông nghiệp” thực thụ, Y Nguat cho biết: để cà phê đạt năng suất cao, khâu chọn giống là quan trọng nhất. Vì vậy, mình không bao giờ tự ươm giống hay mua giống cà phê bán trôi nổi trên thị trường mà đến thẳng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên. Khi trồng mình áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật do cán bộ khuyến nông hướng dẫn nhờ đó năng suất cà phê của gia đình luôn cao hơn so với các hộ trong buôn, trong xã. Sau nhiều năm tích lũy, năm 2013 vợ chồng Y Nguat xây dựng một căn nhà theo kiểu hiện đại trị giá hơn 1,2 tỷ đồng, nhưng vẫn giữ lại nếp nhà dài truyền thống của đồng bào mình.
Anh Y Nguat (đứng giữa) chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình. |
Trò chuyện với chúng tôi, vợ chồng anh Y Nguat nói: “Theo phong tục của đồng bào Ê đê, khi lấy con gái út sẽ được thừa hưởng tài sản, vợ chồng mình được bố mẹ cho 8 ha đất, chỉ bỏ công sức làm thôi. Mới cưới nhau không có vốn, vợ chồng động viên nhau cố gắng trồng hoa màu để lo cái ăn trước mắt sau đó mới tính đến chuyện trồng cà phê. Cứ như vậy, hai vợ chồng tiết kiệm mua thêm đất canh tác. Mới đây, vợ chồng chị gái lại cho thêm mấy ha đất để trồng cà phê. Làm nhiều sẽ vất vả, nhưng nếu bỏ đất trống thì tiếc lắm!”. Nghe Y Nguat chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, chúng tôi hiểu bí quyết làm giàu của “triệu phú trẻ” nơi vùng sâu, vùng xa này chính là ở sự vượt khó, cần cù, yêu lao động, ham học hỏi. Không chỉ làm giàu cho riêng mình, với gần 20 ha đất canh tác, Y Nguat đã giúp nhiều bà con trong buôn có việc làm. Nhìn thấy Y Nguat có nhà xây đẹp, có xe máy “xịn”, nhiều thanh niên ở buôn Riêng A cũng “học theo” cách làm kinh tế như Y Nguat, không còn tụ tập ăn nhậu, gây mất trật tự buôn làng nữa.
Năm 2013, Y Nguat vinh dự được UBND tỉnh đã Bằng khen “Điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước của tỉnh thời gian qua”, Hội Nông dân tỉnh tặng Giấy chứng nhận “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Bằng khen về “Học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tặng giải thưởng Lương Định Của. Đặc biệt cũng trong năm 2013, Y Nguat vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Hồng Chuyên – Vạn Tiếp – Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc