Multimedia Đọc Báo in

Tỏa sáng những việc làm tình nguyện

10:11, 20/07/2015

Đến hẹn lại lên, vào tháng 7 hàng năm, màu áo xanh của thanh niên tình nguyện lại có mặt ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Nhiều hoạt động, phần việc ý nghĩa đã được các đội hình tình nguyện triển khai hiệu quả, để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng người dân.

Lan tỏa yêu thương

Mùa hè này, cứ sáng sáng, chiều chiều, Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng buôn Tai (xã Krông Jing, huyện M’Đrắk) lại rộn vang tiếng nói cười, ê a đọc bài của các em học sinh và những chiến sĩ tình nguyện. Bạn Nguyễn Thị Thu, sinh viên năm 2, Khoa Sư phạm, Lớp Giáo dục Tiểu học Gia Rai K2013, Trường Đại học Tây Nguyên hồ hởi: “Với mong muốn được trải nghiệm thực tế và đem lại lợi ích cho cộng đồng, em đã tình nguyện đăng ký tham gia Chiến dịch thanh niên tình nguyện năm nay. Qua những ngày gắn bó với người dân và các em nhỏ trong buôn, em đã cảm nhận được tình cảm chân thành cũng như những khó khăn trong cuộc sống của họ. Qua đó, em tự nhủ với bản thân phải học tập thật tốt để sau này có thể cống hiến sức lực, trí tuệ, xây dựng quê hương ngày càng phát triển”.

1
Sinh viên tình nguyện Trường Đại học Tây Nguyên ôn tập văn hóa hè cho học sinh buôn Tai (xã Krông Jing, huyện M'Đrắk)

Không chỉ ôn tập văn hóa hè, ngay từ những ngày đầu, đội hình tình nguyện đã tổ chức thăm, tặng quà, quét dọn vệ sinh môi trường khu vực nhà ở cho gia đình chính sách, neo đơn với tấm lòng “Uống nước nhớ nguồn”. Ông Y Đứt Mlô ở buôn Tai (xã Krông Jing) cho biết: “Mình là bệnh binh, năm nay đã 80 tuổi, sức khỏe yếu lại đang sinh sống với người con bị tàn tật. Mình cảm thấy thật vui và ấm lòng khi được các cháu thanh niên tình nguyện thăm hỏi, tặng quà, dọn dẹp vệ sinh nhà cửa”. Bên cạnh đó, các chiến sĩ tình nguyện của Trường Đại học Tây Nguyên còn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông, quyền công dân, trật tự an toàn xã hội, kế hoạch hóa gia đình…; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đoàn - Hội  trên địa bàn dân cư; hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp dân làm kinh tế.

Bạn Nguyễn Đình Thiện, sinh viên Khoa Lý luận Chính trị K2013, Trường Đại học Tây Nguyên, Trưởng nhóm tình nguyện ở buôn Tai cho biết: “Trong chiến dịch Thanh niên tình nguyện mùa hè xanh năm 2015, 40 đoàn viên, thanh niên của Trường Đại học Tây Nguyên được chia thành 4 đội đã xung kích về các thôn, buôn khó khăn của xã Krông Jing và Cư Króa (huyện M’Đrắk) từ ngày 28-6 đến 28-7. Với phương châm “Đi dân nhớ, ở dân thương, không đợi dân nhờ, không chờ dân nhắc”, các chiến sĩ tình nguyện đã quyết tâm thực hiện tốt các hoạt động trong thời gian diễn ra chiến dịch. Các hoạt động thiết thực và bám sát cuộc sống người dân nơi đây đã nhận được sự hưởng ứng, giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền địa phương và tạo được dấu ấn tốt đẹp trong lòng bà con. Tuy thời gian không dài nhưng chúng em hy vọng những việc làm tình nguyện của mình sẽ lan tỏa được yêu thương và mỗi bạn sẽ thực sự được trải nghiệm cuộc sống”.

Tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng

Với tinh thần “Tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, trong Chiến dịch thanh niên tình nguyện mùa hè xanh năm 2015, các đoàn viên thanh niên của Thành Đoàn Buôn Ma Thuột đã thực hiện nhiều công trình, phần việc thiết thực, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

2
Thanh niên tình nguyện TP. Buôn Ma Thuột cắt tóc miễn phí cho trẻ em buôn Ea Nao A (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột)

Cùng các chiến sĩ tình nguyện của Thành Đoàn Buôn Ma Thuột và Chi đoàn Sở Xây dựng tổ chức khởi công Công trình thanh niên làm sân bóng chuyền buôn Ea Nao A (xã Ea Tu) và ra quân chiến dịch “Hoa phượng đỏ”  thành phố Buôn Ma Thuột năm 2015 mới cảm nhận hết sự nhiệt tình, hăng hái của các bạn. Ngay sau phần lễ, các bạn nhanh chóng phân công công việc, một nhóm tổ chức cắt tóc miễn phí cho trẻ em, nhóm khác tổ chức sinh hoạt, trò chơi cho các đoàn viên thanh niên trong buôn, một số bạn lại giúp chuẩn bị mặt bằng khởi công xây dựng sân bóng chuyền. Bạn Nguyễn Bá Chí Công, Phó Bí thư Đoàn phường Thắng Lợi bộc bạch: “Ở mỗi địa điểm thực hiện các công trình, phần việc thanh niên, chúng em đều tổ chức một buổi “sinh hoạt mẫu” với nhiều trò chơi, nội dung hấp dẫn, lôi cuốn nhằm khơi dậy và khuyến khích các bạn đoàn viên thanh niên ở thôn, buôn nhiệt tình tham gia các buổi sinh hoạt, tạo “sân chơi” lành mạnh, bổ ích trong dịp hè”. Bên cạnh các hoạt động trên, trong dịp này, Hội Đồng đội thành phố cũng trao 10 suất học bổng và 2 chiếc xe đạp tặng các em học sinh vượt khó của buôn Ea Nao A. Chị H’Triệu Kđớk, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tu đánh giá: “Việc hỗ trợ xây dựng sân bóng chuyền ở buôn Ea Nao A đã góp phần thiết thực vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và tạo điều kiện để người dân, đoàn viên thanh niên trong buôn tập luyện, giao lưu, thúc đẩy phong trào thể dục thể thao trong buôn”.

4
Đoàn viên thanh niên Thành Đoàn Buôn Ma Thuột ra quân xóa quảng cáo rao vặt trên các tuyến đường của TP. Buôn Ma Thuột

Trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện mùa hè xanh năm 2015, đoàn viên, thanh niên của Thành Đoàn Buôn Ma Thuột đã thực hiện nhiều công trình, phần việc mang ý nghĩa thiết thực, tập trung vào các xã, thôn, buôn khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Cùng với làm đường giao thông nông thôn, hỗ trợ xây nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách, xóa quảng cáo rao vặt, dọn dẹp vệ sinh môi trường..., chiến dịch tập trung vào các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn như thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, người có công, Mẹ Việt Nam anh hùng. Hình thức triển khai theo kiểu cuốn chiếu, làm đến đâu dứt điểm đến đó nên các phần việc, công trình đã đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương.

Anh Y Quý Niê Siêng, Phó Bí thư Thành Đoàn Buôn Ma Thuột cho biết: “Để chiến dịch thực sự lan tỏa và thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia, Ban Thường vụ Thành Đoàn yêu cầu mọi hoạt động tình nguyện phải bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng xã hội để vận động, quyên góp và xã hội hóa nguồn lực phục vụ hoạt động tình nguyện. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo sức lôi cuốn đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia”. 

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.