Multimedia Đọc Báo in

Xin đừng quên nói lời yêu thương

08:06, 04/07/2015
Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội Facebook, Twite, Zalo, Viber… lan tỏa trào lưu nhắn tin “em yêu anh!”; cụ thể, các bà vợ sẽ nhắn tin cho chồng với cú pháp “em yêu anh”, sau đó chờ đợi phản ứng từ phía “đối tác”.
 
Kết quả được chia sẻ trên các diễn đàn cho thấy đa phần chị em nhận được những câu trả lời khá hài hước như “Đồ điên à!”, “Dở hơi à! “Chưa có lương!”, “Anh mới đưa lương cho vợ hôm qua mà”, “Lại muốn đi mua sắm à!” “Lại làm gì có lỗi à!”, “Nhắn nhầm cho đứa nào”, “Có chuyện gì à!”, “Hấp à!”, “Uống nhầm thuốc dạ dày sang thuốc thần kinh à!”, “Tôi xin bày tỏ quan ngại sâu sắc về đồng chí!”…

Trò chơi đơn giản nhưng đã tạo ra tiếng cười hài hước cho cộng đồng mạng, giúp xua tan những mệt mỏi căng thẳng trong cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên, cũng từ câu chuyện hài hước ấy cho thấy cuộc sống gia đình đang tồn tại lỗ hổng lớn, thiếu vắng sự giao lưu tình cảm bằng lời nói. Thay vì nói những lời yêu thương thì sau khi cưới nhau, tần suất xuất hiện của nó giảm dần, thưa hẳn đến gần như không có. Thay vào đó là nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền, con cái... Các ông chồng có thể giúp vợ nấu cơm, quét nhà, dắt xe, khóa cổng nhưng tuyệt nhiên những lời đường mật thường nói khi chưa kết hôn không còn nữa. Ông Phan Văn Hóa, đường Y Ngông (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, khi kết hôn rồi, ông rất ít khi nói những lời tình cảm với vợ, bởi có yêu nhau mới cưới nhau, những lời nói đó chỉ là những lời sáo rỗng, không phù hợp khi trong gia đình có thêm thành viên mới. Những thay đổi đột ngột của các “tình yêu” trước và sau hôn nhân đã khiến một số chị em bị sốc, dần cũng thành quen, những lời yêu thương trở nên xa xỉ trong cuộc sống của các gia đình. Chị Nguyễn Thị Thủy, nhân viên văn phòng một công ty trên đường Đinh Tiên Hoàng chia sẻ, mặc dù chị đã được đồng nghiệp trong công ty chuẩn bị tâm lý trước khi lập gia đình nhưng chị vẫn bị sốc. Mối quan hệ của hai người trước và sau khi cưới nhau là hai khoảng trời tách biệt, thay vì đưa đón, săn sóc, đi chơi... thì khoảng không lãng mạn đó không còn nữa, cách nói chuyện của chồng trở nên cục cằn, dần dần câu chuyện chỉ liên quan đến chuyện đưa đón con, khi rủ rê chồng đi chơi cũng chỉ nhận được câu trả lời thờ ơ “anh bận” hay “em rủ đồng nghiệp cùng đi”…

“Con gái yêu bằng tai, con trai yêu bằng mắt”, không phải ngẫu nhiên mà trò chơi này có sức lan tỏa rộng trong cộng đồng mạng, bởi thực tế các gia đình đang dần thiếu vắng sự giao lưu tình cảm, dù chỉ bằng lời nói. Một phần nguyên nhân có thể do truyền thống văn hóa Việt Nam vẫn e dè với ý nghĩ việc bày tỏ tình cảm là điều kín đáo. Tiến sĩ Dương Hoài An, giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên cho biết, đa số các ông chồng rất ít khi nói những lời yêu thương với vợ của mình, dần thành quen và họ thấy ngượng ngùng khi lặp lại những câu nói yêu thương thời mới quen nhau. Riêng với ông, đó là những lời ông thường nói với vợ, bởi trong xã hội cũng như trong gia đình cũng cần lắm những lời yêu thương và nó không bao giờ thừa.

Hoài Hương

 


Ý kiến bạn đọc