Multimedia Đọc Báo in

Sinh đông con vì quan niệm cổ hủ, lạc hậu

13:11, 09/09/2015
Buôn Kniết, xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin) có 253 hộ với 1.251 nhân khẩu, gần 100% dân số là người dân tộc Êđê. Đồng bào buôn Kniết vẫn còn những quan niệm cổ hủ, lạc hậu trong hôn nhân, sinh đẻ nên phần lớn các gia đình đều sinh đông con.

Vợ chồng anh Y Buôr Êban và chị H’Muk Bdap năm nay ngoài 35 tuổi, đã có với nhau 6 đứa con nhưng họ vẫn muốn sinh tiếp vì chưa có con gái. Chị H’Muk cho biết: ‘‘Đứa con đầu 17 tuổi, còn đứa nhỏ nhất mới được 10 tháng. Vợ chồng mình phải sinh được con gái mới thôi. Con gái sau này nó ở với mình, nó chăm sóc mình. Con trai thì nó lấy vợ rồi ở nhà người ta mà”. Bởi vậy, mặc cho cộng tác viên dân số nhiều lần đến tư vấn, vận động nhưng vợ chồng anh Y Buôr vẫn chưa sử dụng biện pháp tránh thai. Cả nhà 8 miệng ăn nhưng không có đất canh tác. Hằng ngày, anh Y Buôr và đứa con trai đầu phải đi làm thợ hồ, đào hố cà phê, hái tiêu hay bất cứ việc gì có người thuê là làm… mà thu nhập vẫn không đủ để trang trải. Ăn uống kham khổ cùng nhiều lần mang nặng đẻ đau khiến chị H’Muk tiều tụy và thường xuyên đau ốm; các con của chị lớn lên trong sự thiếu thốn nên gầy gò và ốm yếu.

Chị H'Béo và đàn con lít nhít.
Chị H'Béo và đàn con lít nhít.

Anh Y Linh Ayun và chị H’Béo Btô cưới nhau năm 2005. Khi đó, Y Linh 18 tuổi, H’Béo mới 15 tuổi. Hiện tại họ đã có với nhau 5 đứa con, đứa đầu 10 tuổi, còn đứa thứ 5 vừa tròn 9 tháng tuổi. Sinh đông và sinh dày nên cuộc sống của gia đình này vốn đã khó khăn nay càng thêm túng thiếu. Không có nương rẫy, thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào tiền làm thuê làm mướn của anh Y Linh. Trong ngôi nhà vỏn vẹn 20 m2, không có tài sản gì đáng giá ngoài đàn con 5 đứa lít nhít. Chị H’Béo cho biết: “Nhà mình nghèo nên 3 đứa con đầu chưa đi học đâu; còn 2 đứa nữa chưa làm giấy khai sinh vì mình không có tiền đổ xăng đi lên xã”.

Buôn Kniết hiện có 237 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thì có 181 cặp sinh con thứ 3 trở lên. Nhà sinh nhiều nhất có 8 đứa con, còn 5-6 đứa con thì khá phổ biến. Chị H’Nhem Btô, cộng tác viên dân số buôn Kniết cho biết: “Nguyên nhân chính là do trình độ dân trí trong buôn còn thấp. Người dân vẫn còn quan niệm “đông con là nhiều của” và phải “sinh con gái để trông cậy tuổi già”. Hiện tại, trong buôn có 22 hộ nghèo thì hầu hết đều là những trường hợp sinh đông con”.  Trong những năm gần đây, cán bộ chuyên trách dân số xã Ea Ktur và cộng tác viên dân số buôn đã tổ chức nhiều buổi truyền thông nhóm, tư vấn tại nhà về kế hoạch hóa gia đình cho người dân buôn Kniết… Tuy vậy, hiệu quả còn thấp. Năm 2014, buôn Kniết vẫn còn 8 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Tình trạng này có thể sẽ tiếp tục xảy ra vì trong buôn còn 128 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chưa sử dụng các biện pháp tránh thai.

Nguyễn Thị Hồng Thúy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.