Multimedia Đọc Báo in

Chú trọng dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên phụ nữ

10:18, 28/10/2015

Thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015”, những năm qua, Hội Phụ nữ TP. Buôn Ma Thuột đã đẩy mạnh công tác dạy nghề cho hội viên, phụ nữ trên địa bàn, qua đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho lao động nữ.

Tháng 5-2015, 35 hội viên phụ nữ xã Cư Êbur được tham gia lớp dạy nghề may dân dụng do Hội Phụ nữ xã phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh và Phòng Dạy nghề (Sở Lao động – Thương binh và xã hội) tổ chức. Sau 3 tháng học lý thuyết và thực hành, nhiều chị em đã có thể sử dụng thành thạo các dụng cụ, thiết bị máy may, biết chỉnh sửa những hư hỏng của thiết bị may, may được các trang phục theo đúng yêu cầu và mở tiệm tại nhà, tạo thu nhập ổn định. Là 1 trong những học viên xuất sắc vừa hoàn thành khóa học, chị Lơ Nha Ênuôl (thôn 1) chia sẻ: “Tham gia lớp học cắt may, tôi và các chị em được trang bị kiến thức cũng như thực hành các kiểu may âu phục nam, nữ. Trong thời gian học tập, ngoài nguyên vật liệu, dụng cụ cắt may tôi còn được hỗ trợ tiền ăn trưa và 300 nghìn đồng/tháng theo chế độ dành cho học viên người dân tộc thiểu số. Nhờ vậy mà việc học tập thuận lợi hơn rất nhiều. Mặc dù mới nhận đồ về may tại nhà được gần 2 tháng nhưng được mọi người xung quanh tin tưởng và khen ngợi, tôi càng có động lực học hỏi, nâng cao tay nghề để có thể tạo ra được những sản phẩm ưng ý nhất”. Vốn có kinh nghiệm, kỹ thuật về cắt may vì đã nhận sửa quần áo tại nhà, chị  H’Nap Niê (buôn Đung) vẫn đăng ký tham gia lớp học may để nâng cao tay nghề. Chị H’Nap tâm sự: “Trước đây, mình học cắt may từ cha chứ không qua trường lớp đào tạo nên chỉ may đồ cho mọi người trong gia đình và nhận sửa thêm quần áo cho bà con hàng xóm. Từ ngày tham gia lớp may dân dụng do Hội Phụ nữ xã phối hợp tổ chức, mình biết thêm nhiều về kỹ thuật và cố gắng hơn mỗi ngày để có thể nhận quần áo về may, kiếm thêm thu nhập trong những ngày nông nhàn, cải thiện cuộc sống. Ở lớp, ngoài giờ học, các chị em còn chia sẻ, trao đổi các kiến thức về nuôi dạy con, giữ gìn hạnh phúc gia đình, giao lưu văn nghệ và đặc biệt là tìm hiểu về nhu cầu tuyển dụng lao động tại các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh”.

Chị H'Nap Niê may đồ cho khách hàng tại nhà.
Chị H'Nap Niê may đồ cho khách hàng tại nhà.

Còn hơn 1 tháng nữa lớp học nấu ăn của Hội Phụ nữ phường Thống Nhất mới kết thúc nhưng cứ vào ngày cuối tuần, các chị em đều tập trung lại cùng nhau học tập, chia sẻ kinh nghiệm cũng như thực hành nấu các món ăn mới. Là một trong những học viên tích cực nhất của lớp, chị Nguyễn Thị Hương tâm sự: “Tôi và các chị em tham gia học tại đây đều có chung niềm đam mê nấu nướng. Tham gia lớp học nấu ăn, tôi và các chị em đã bàn bạc sẽ thành lập mô hình dịch vụ nấu ăn gia đình, vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường lại tạo việc làm tăng thu nhập cho nhiều hội viên phụ nữ. Sau khi hoàn thành khóa học này, chúng tôi sẽ tiếp tục tham dự các lớp tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm để cơ sở dịch vụ mang tính chuyên nghiệp từ khâu chế biến, trang trí đến chất lượng các món ăn được bảo đảm vệ sinh, hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng”.

Để thực hiện có hiệu quả chương trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nữ, những năm qua, Hội Phụ nữ thành phố đã tiến hành khảo sát, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của mỗi chị em để tư vấn giới thiệu ngành nghề phù hợp, gắn với nhu cầu lao động của xã hội. Từ đầu năm đến nay, Hội đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức 5 lớp dạy nghề nấu ăn, may dân dụng, dệt thổ cẩm cho hội viên, phụ nữ trên địa bàn. Hầu hết các lao động nữ sau đào tạo nghề đều có việc, tạo được nguồn thu nhập ổn định. Chị Đỗ Thị Kim Dũng, Chủ tịch Hội LHPN thành phố cho biết: “Trong thời gian tới, bên cạnh việc tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ được đào tạo nghề, thành Hội sẽ tiếp tục chú trọng tới việc hỗ trợ sau đào tạo để giúp chị em áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế một cách hiệu quả, có nghề nghiệp ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống”.

Vân Anh
 


Ý kiến bạn đọc