Những điển hình tiêu biểu của lực lượng vũ trang Quân khu 5
Trong thời gian qua, những cán bộ, chiến sĩ, công nhân lao động của các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Quân khu 5 đã phấn đấu vươn lên trong lao động sản xuất, sát cánh cùng người dân ở địa bàn đứng chân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Những nhà nông giỏi
Hội Phụ nữ cơ sở Công ty TNHH Một thành viên Cà phê 15 (Quân khu 5) có 513 hội viên sinh hoạt tại 16 chi hội trải dài khắp 3 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông. Trong những năm qua, nhiều hội viên phụ nữ của công ty đã nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc.
Cách đây không lâu, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, chị Nguyễn Thị Châu ở Chi hội 3 (xã Cư Dliê Mnông, huyện Cư M’gar) làm đơn xin nhận khoán 1 ha cà phê của công ty về chăm sóc. Nhờ cần cù chịu khó, biết ứng dụng kỹ thuật mới nên vườn cây của chị rất xanh tốt, năng suất luôn vượt định mức được giao từ 4 - 5 tấn quả tươi/năm. Ngoài vườn cây nhận khoán, gia đình chị còn trồng thêm 600 trụ hồ tiêu và 700 cây cà phê. Với giá tiêu và cà phê như hiện nay, trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình chị thu lợi gần nửa tỷ đồng. Từ năm 2013 – 2015, chị liên tục được bầu là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Mùa cà phê bội thu của gia đình chị Nguyễn Thị Châu, Chi hội 3, Hội Phụ nữ cơ sở, Công ty TNHH Một thành viên Cà phê 15. |
Nhìn trang trại rộng gần 1 ha được xây dựng, quy hoạch khoa học theo mô hình VAC của gia đình chị Lê Thị Mai Phúc ở Chi hội 5 (xã Cư Dliê Mnông, huyện Cư M’gar) bây giờ, ít ai có thể biết rằng cơ ngơi ấy được chị tạo dựng từ hai bàn tay trắng. Năm 2011, thấy thị trường rất chuộng sản phẩm thịt heo rừng, chị mạnh dạn vay vốn đầu tư trang trại nuôi heo rừng. Với 7 sào đất quanh nhà, chị vừa trồng cà phê, hồ tiêu vừa đào ao thả cá, nuôi gà, chim bồ câu và trồng rau. Khéo tính toán và biết vun vén, gia đình chị dần ổn định cuộc sống. Từ 2 con heo nái ban đầu, đến nay đàn heo nái của chị đã lên tới 8 con. Mỗi năm chị xuất bán được hàng tạ cá, từ 2,5 – 3 tấn thịt heo rừng, thu về hàng trăm triệu đồng. Có tiền, chị dành một phần cho các con ăn học, phần còn lại để tái đầu tư. Dịp tết năm nay, chị sẽ xuất bán hơn 2 tạ gà ta và gần 1 tấn thịt heo rừng.
Chồng là công nhân còn vợ là giáo viên trường mầm non của Công ty TNHH Một thành viên Cà phê 15 nhưng bao năm qua gia đình chị Trần Thị Hương ở Chi hội 6 vẫn chỉ đủ ăn. Năm 2011, Hội Phụ nữ cơ sở đứng ra bảo lãnh để chị Hương vay ngân hàng 200 triệu đồng, đầu tư xây trang trại nuôi heo. Được công ty hỗ trợ về kỹ thuật và thức ăn chăn nuôi, sau 2 năm chị đã trả hết nợ và dần có của ăn của để. Trang trại của chị luôn duy trì đều đặn từ 10 - 12 con heo nái và gần 100 con heo thịt. Chị vừa xuất bán heo con giống vừa giữ lại nuôi. Lấy vốn xoay vòng, chị đầu tư nuôi thêm 20 con dê, hàng trăm con gà và 2 con hươu lấy nhung, chăm sóc 0,5 ha cà phê xanh tốt, bình quân mỗi năm thu lợi khoảng trên 200 triệu đồng. Tết này, vợ chồng chị Hương dự định sẽ đưa cả nhà đi Vũng Tàu nghỉ mát, tự thưởng cho mình sau một năm lao động vất vả.
Người cán bộ sát cánh cùng bà con vùng biên
Vượt qua mọi khó khăn, trong những năm qua, cán bộ chiến sĩ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 737 (Quân khu 5) vẫn ngày đêm sát cánh cùng nhân dân vùng dự án Kinh tế Quốc phòng thuộc hai xã Ia R’vê và Ya Lốp (huyện Ea Súp) phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ổn định và giữ vững vành đai biên giới của Tổ quốc. Bà con nơi đây vẫn thường nhắc tới Thượng úy Trương Văn Nam, cán bộ Đội sản xuất nông lâm tận tụy trách nhiệm, luôn hết lòng vì người dân.
Cán bộ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 737 hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc ngô lai. |
Đội của anh Nam quản lý địa bàn rộng hàng trăm hec-ta với gần 600 nhân khẩu, đa số người dân di cư từ Thanh Hóa và Bến Tre từ đầu những năm 2000. Từ lúc còn là nhân viên đến khi làm Đội phó Đội sản xuất, anh Nam luôn giữ thói quen “xắn quần lội ruộng”, “ba cùng” với bà con nông dân. Bằng kinh nghiệm và thực tế, anh tận tình hướng dẫn cho bà con cách trồng cây, gieo hạt, kỹ thuật chăn nuôi để phát triển kinh tế nâng cao thu nhập. Chính vì vậy, trên địa bàn Đội anh quản lý tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn bảo đảm, kinh tế phát triển đều qua các năm và xuất hiện ngày càng nhiều những hộ làm kinh tế giỏi.
Năm 2015, thực hiện chủ trương của Nhà nước đối với vùng dự án của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 737 về việc thanh lý, hỗ trợ tiền công chăm sóc vườn điều, khai thác diện tích keo nguyên liệu giấy, giao đất cho địa phương để chia cho bà con sản xuất, đại đa số người dân trong vùng dự án đều đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, lợi dụng việc này một số một số kẻ đã đe dọa, kích động nhân dân gửi đơn thư khiếu kiện vượt cấp, tụ tập gây rối, hành hung cán bộ thi hành công vụ... Bằng những việc làm cụ thể, Thượng úy Trương Văn Nam đã kiên trì tuyên truyền, vận động để người dân trên địa bàn mình phụ trách có nhận thức đúng đắn, ra sức hợp tác với đơn vị. Nhờ vậy, 100% người dân thôn 8, xã Ia R’vê - nơi Đội sản xuất của anh quản lý - đã đồng ý ký nhận thanh lý vườn điều, cam kết không khiếu kiện, tụ tập đông người.
Bận rộn là vậy, vợ chồng anh vẫn nhận khoán hơn 1 ha đất của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 737 để trồng trọt, chăn nuôi. Bằng tư duy và cách làm sáng tạo, đến nay gia đình anh đã xây được cửa nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, con cái được học hành đến nơi đến chốn, là tấm gương để người dân trong vùng học tập.
Việt Hùng
Ý kiến bạn đọc