Multimedia Đọc Báo in

Điểm tựa của những phận đời không may mắn

06:26, 14/02/2016

Bằng tâm niệm “Cho cần câu hơn là cho con cá”, nhiều chủ cơ sở sản xuất đã bỏ thời gian và tâm huyết đào tạo nghề cho các em khuyết tật, giúp các em có được một công việc, nghề ổn định từ đó tự tin hòa nhập với cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống…

“Cái khó mà làm được thì mới ý nghĩa”

Nằm lặng lẽ trong một con hẻm nhỏ, gần cuối đường Y Ngông (TP. Buôn Ma Thuột), cơ sở thổ cẩm Phương Thu hiện đang là nơi học nghề và làm việc của những người khuyết tật tại đây. Với khoảng không gian chừng 100 m2, gần 9 em người thì khiếm thính, người bị thiểu năng trí tuệ, vận động kém… đang cặm cụi làm từng công đoạn để sản xuất đồ lưu niệm. Từng chiếc xách tay hình thú, mỗi chiếc ví làm bằng vải lanh của đồng bào dân tộc thiểu số, hay những chiếc váy thổ cẩm… cùng những đường may, nét viền, cách đính cúc… rất tinh xảo đang dần hiện lên từ những đôi bàn tay của các em. Phần lớn các em đều là học sinh của Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật. Từng công tác tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông, hiện đang là Phó Chánh Văn phòng của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, chị Trần Thị Phương Thu, có dịp tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là với những người khuyết tật nên chị càng hiểu và cảm thông hơn với họ. Với mong muốn tạo cho các em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn một nghề để vươn lên trong cuộc sống, lại sẵn có cơ sở sản xuất đồ lưu niệm nhỏ nên chị Thu quyết định thành lập xưởng sản xuất đồ lưu niệm dành cho các em khuyết tật. Nhiều người thân khuyên ngăn với lý do đào tạo cho người lành lặn còn khó nói gì đến người khuyết tật. Nhưng chị tâm niệm: “Cái khó mà mình làm được thì mới ý nghĩa”, từ đó chị quyết tâm xây dựng xưởng. 

Anh Trần Đăng Đạo (bìa trái) hướng dẫn một em khiếm thính làm sản phẩm gỗ.
Anh Trần Đăng Đạo (bìa trái) hướng dẫn một em khiếm thính làm sản phẩm gỗ.

Tháng 7-2013, cơ sở được thành lập, lúc đó chị Thu chỉ nhận 2 em là Nguyễn Viết Hoàng và Hoàng Đăng Tuấn, một người bị khiếm thính, một người bị thiểu năng trí tuệ; ban đầu việc hướng dẫn cho các em rất khó khăn. Chị đã phải học thêm ngôn ngữ ký hiệu của người khiếm thính, còn với Tuấn chị lại phải tận tình chỉ bảo từng đường kim, mũi chỉ và cách dập khuy… Không phụ công chị, các em đều rất chăm chỉ, dần dần tay nghề thành thạo. Công việc thuận lợi, những mẫu hàng lưu niệm do cơ sở làm ra được nhiều cơ sở, đại lý trong và ngoài tỉnh quan tâm đặt hàng, chị Thu mạnh dạn nhận thêm các em khuyết tật khác. Đến nay cơ sở của chị đã có 9 em, người trước chỉ bảo cho người sau nên cũng dần quen với công việc mới. Các em đều làm giờ hành chính và được sắp xếp chỗ ăn ngủ ngay tại cơ sở với bảng tính công rất rõ ràng: học việc 1,5 triệu đồng/tháng, thợ 2,5 triệu đồng/tháng, thợ cả 3 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, mỗi dịp hè, cơ sở lại mở lớp đào tạo “Mùa hè thủ công” cho các em thanh thiếu nhi của các trường khuyết tật…

Từ cơ sở thổ cẩm Phương Thu, các em đã học được nghề để nuôi sống bản thân và tìm được hạnh phúc riêng của mình. Như trường hợp của em Phạm Họa Mi, nhà ở huyện Cư Kuin, bị khiếm thính, gia đình có hoàn cảnh éo le, khi mới về cơ sở em rất khép mình không tiếp xúc với ai. Sống và làm việc với những mảnh đời đồng cảnh ngộ Họa Mi đã trở nên hòa đồng hơn. Và em đã tìm được một nửa yêu thương của đời mình khi cuối tháng 4-2015 em đã kết hôn và đang bắt đầu tự gây dựng cơ sở làm đồ lưu niệm tại địa phương. Còn em Hoàng Đăng Tuấn đến nay cũng đã ra nghề và nhận hàng về nhà làm để phát triển cơ sở riêng của mình…

Những người thợ gỗ khiếm thính

Đã từ lâu, cơ sở gỗ mỹ nghệ Đăng Đạo trên đường Lê Duẩn (TP. Buôn Ma Thuột) là nơi tìm đến của những người thích sản phẩm về gỗ bởi những sản phẩm tại đây được chạm khắc tinh xảo, cùng những nét tạo hình tinh tế. Thế nhưng ít người biết rằng, để có được những sản phẩm này có sự đóng góp không nhỏ của những thợ gỗ khiếm thính đang làm việc tại cơ sở. 

Các em khuyết tật đang làm hàng thổ cẩm tại cơ sở Phương Thu.
Các em khuyết tật đang làm hàng thổ cẩm tại cơ sở Phương Thu.

Anh Trần Đăng Đạo, chủ cơ sở cho biết việc nhận đào tạo nghề mộc cho những người khiếm thính đến với anh như một cơ duyên. Trong một lần đi thăm người quen tại huyện Cư Kuin, anh Đạo được một người bạn nhờ anh dạy nghề cho hai anh em Trần Anh Minh và Trần Thanh Minh, đều bị câm điếc từ nhỏ, hoàn cảnh lại khó khăn. Thời gian đầu anh cũng phân vân và đắn đo do nghề mộc đòi hỏi kỹ thuật cao, cần sức khỏe, đằng này hai em lại không thể giao tiếp như người bình thường. Nhưng thấy hoàn cảnh khó khăn của hai em, anh mạnh dạn nhận đào tạo. Anh Đạo tự tay cầm những cây đục, đồ bào tận tình hướng dẫn cho các em. Được chỉ bảo cụ thể, chu đáo và lại chăm chỉ học hỏi nên không lâu sau các em đều đã làm được những sản phẩm tinh xảo, đẹp mắt. Anh Đạo cho biết: “Dạy các em cần kiên nhẫn, đặc biệt là phải học thêm ngôn ngữ ký hiệu người khiếm thính”. Sau hai anh em Thanh Minh và Anh Minh, hiện cơ sở của anh Đạo đã nhận thêm 3 em khiếm thính. Anh Đạo chia sẻ: “Thực ra nghề mộc rất vất vả, ngoài việc đòi hỏi sự khéo léo, chăm chỉ thì còn phải có sức khỏe tốt. Khi tiếp xúc với các em khuyết tật tôi thấy đa phần các em đều có hoàn cảnh rất khó khăn, nên khi nhận các em về tôi cũng chỉ mong muốn giúp các em có một nghề lận lưng để sau này có thể tự mưu sinh”.

Cơ sở dập hạt của ông Đỗ Trường, phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột), cũng là nơi nhận các em khiếm thính của Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật để đào tạo nghề. Ông Trường quê ở Hà Tây, vào Đắk Lắk lập nghiệp từ năm 1998. Trong một lần về quê thăm một làng nghề dập hạt tại Thường Tín, Hà Tây (Hà Nội), ông nhận thấy thị trường Tây Nguyên đang rất cần các sản phẩm từ hạt dập gỗ. Trở lại Buôn Ma Thuột, ông quyết định đầu tư mua máy móc để phát triển cơ sở dập hạt. Cùng sự phối hợp của Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, ông mạnh dạn nhận 2 em khiếm thính về tại cơ sở của mình để đào tạo nghề. Được sự giúp đỡ của người con trai Đỗ Hải Đăng, ông Trường cũng đã dần quen với các ngôn ngữ ký hiệu của các em khiếm thính. Do mới bắt đầu làm công việc này nên cả bố con ông Trường cùng các em phải mày mò nghiên cứu cách dập hạt. Những sản phẩm đầu tay thường hay lỗi nên bị trả về, mọi người phải kỳ công làm lại từ đầu. Khi các sản phẩm bắt đầu được thị trường chấp nhận ông Trường quyết định nhận thêm 4 em nữa vào làm việc. Em Hoàng Mặc Điển ra ký hiệu và Hải Đăng dịch lại cho chúng tôi rằng: “Hôm nay mọi người đang chuẩn bị sinh nhật cho em. Em và các bạn ở đây đều cố gắng làm việc thật chăm chỉ để có một công việc, tự kiếm sống và phụ giúp gia đình”. Ông Trường bày tỏ: “Việc hướng dẫn các cháu khiếm thính làm nghề đôi khi cũng rất mệt nhưng chỉ cần mình hiểu rõ tâm tư của các cháu, thường xuyên động viên thì các cháu sẽ luôn nỗ lực vì công việc được giao. Bên cạnh đó tôi cũng đang cố gắng hoàn thiện thêm sản phẩm và mở rộng thêm quy mô sản xuất để có thể gia công thành phẩm các sản phẩm như chiếu, ghế ôtô…”. 

Thiên Ân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ công
Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công để tạo thuận cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính, xây dựng nền hành chính công phục vụ, thông thoáng. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trong của cải cách hành chính mà các cấp, ngành, địa phương của tỉnh đang nỗ lực thực hiện.