Multimedia Đọc Báo in

Chia sẻ khó khăn với người lao động

15:56, 18/05/2016

Bằng nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã thể hiện sự quan tâm, chăm lo, chia sẻ khó khăn với công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), tạo động lực để họ vươn lên, hăng say lao động, sản xuất.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Trần Tuấn Anh tặng quà cho CNLĐ Cụm Công nghiệp Tân An.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Trần Tuấn Anh tặng quà cho CNLĐ Cụm Công nghiệp Tân An.

Sau khi cưới nhau, vợ chồng chị Sao Nang Vinh (dân tộc Lào), đoàn viên công đoàn xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) được bố mẹ chia cho mảnh đất dựng tạm căn nhà gỗ cũ làm nơi che mưa, nắng. Mặc dù hai vợ chồng chị đều là cán bộ không chuyên trách của xã nhưng phụ cấp chỉ đủ lo cho 2 con ăn học. Qua bao mùa rẫy, căn nhà ngày càng xuống cấp, xiêu vẹo, chật chội nhưng gia đình vẫn chưa có điều kiện sửa chữa, nâng cấp. Niềm vui bất ngờ đã đến vào năm 2015, khi gia đình chị được hỗ trợ 30 triệu đồng xây dựng nhà “Mái ấm công đoàn”, cộng thêm sự đóng góp, hỗ trợ của anh em dòng họ để xây dựng căn nhà rộng 50 m2, tổng trị giá 80 triệu đồng. Trò chuyện trong căn nhà mới, chị Vinh bộc bạch: “Căn nhà này không chỉ là nơi “an cư” mà còn chứa đựng nghĩa tình, sự sẻ chia, giúp đỡ của tổ chức công đoàn”.

Được lãnh đạo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh trao tận tay số tiền 15 triệu đồng hỗ trợ mua bò sinh sản ngay tại Lễ phát động Tháng Công nhân năm 2016, chị H’Wưt Tơr, đoàn viên Công đoàn cơ sở Trường Mầm non Hoa Hồng (xã Đắk Liêng, huyện Lắk) không giấu được niềm vui: “Đây là tiền đề để vợ chồng mình phát triển sản xuất và thực hiện ước mơ đã ấp ủ từ lâu”. Kết  hôn đã lâu nhưng do điều kiện khó khăn nên vợ chồng chị vẫn ở chung với bố mẹ. Ngoài đồng lương giáo viên mầm non của chị, hai vợ chồng trồng thêm 3 sào cà phê nhưng nguồn thu cũng chỉ đủ trang trải sinh hoạt hằng ngày. Vì vậy, dự định phát triển chăn nuôi bò tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống mãi vẫn chưa thực hiện được.

Niềm vui của vợ chồng chị Sao Nang Vinh (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) trong ngày nhận bàn giao nhà “Mái ấm công đoàn”
Niềm vui của vợ chồng chị Sao Nang Vinh (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) trong ngày nhận bàn giao nhà “Mái ấm công đoàn”.

Trên đây chỉ là hai trong số hàng nghìn CNVCLĐ đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp công đoàn. Những năm qua, phong trào đóng góp, hỗ trợ xây dựng nhà “Mái ấm công đoàn” cho CNVCLĐ khó khăn về nhà ở đã thực sự đi vào chiều sâu, giúp hàng nghìn gia đình có cơ hội được sống trong căn nhà xây kiên cố, ấm áp tình người. Trong 10 năm (2006 – 2015), tổ chức công đoàn đã kết nối, huy động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, đoàn viên, CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh đóng góp hơn 26,2 tỷ đồng Quỹ “Mái ấm công đoàn” để hỗ trợ xây mới, sửa chữa 1.032 căn nhà cho CNVCLĐ nghèo, gia đình chính sách với tổng kinh phí hơn 24,8 tỷ đồng. Ngay trong Tháng Công nhân năm 2016, LĐLĐ tỉnh cũng đã hỗ trợ hơn 1,1 tỷ đồng cho 32 hộ xây dựng nhà “Mái ấm công đoàn”. Điều đáng nói, bên cạnh sự hỗ trợ của công đoàn, các đối tượng còn nhận được sự giúp đỡ, góp sức của đồng nghiệp, người thân, anh em dòng họ để xây dựng ngôi nhà bảo đảm diện tích, chất lượng, phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Không chỉ hỗ trợ xây dựng nhà ở, các cấp công đoàn còn hỗ trợ vốn cho đoàn viên phát triển sản xuất. Đến nay, từ Quỹ “Đoàn kết tương trợ” và vốn “Vì nữ CNVCLĐ nghèo” với tổng nguồn vốn hơn 36,5 tỷ đồng đã giải quyết cho trên 7.000 trường hợp vay. Ngoài ra, vào các dịp lễ, Tết, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tổ chức thăm, tặng quà CNVCLĐ nghèo, đồng bào buôn kết nghĩa và các cháu thiếu nhi; hỗ trợ đột xuất cho các trường hợp bị tai nạn lao động… Để thể hiện trách nhiệm, tình cảm của tổ chức công đoàn đối với ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa, LĐLĐ tỉnh đã phát động CNVCLĐ ủng hộ trên 5,6 tỷ đồng đóng góp xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma; tổ chức đi thăm, tặng quà, hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà “Mái ấm công đoàn” cho gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và TP. Đà Nẵng. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn còn đồng hành cùng người lao động trong công tác tư vấn, bảo vệ và thực hiện các chế độ chính sách về BHXH, BHYT, trợ cấp thôi việc, tai nạn lao động, nâng lương, các chế độ khi chấm dứt hợp đồng lao động; tổ chức các hội thi tay nghề, nghiệp vụ, thi thợ giỏi… nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động. Đồng thời, khảo sát nắm tình hình việc làm, đời sống, việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp và đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn.

Yến Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.