Multimedia Đọc Báo in

Để rừng mãi xanh tươi

06:41, 28/05/2016

Rừng Lịch sử - Văn hóa - Môi trường (LSVHMT) Hồ Lắk là một trong những khu rừng đặc dụng của tỉnh với hệ thống động, thực vật phong phú, đa dạng. Với diện tích rộng lớn, hầu hết đều nằm sát với các thôn, buôn, trong khi đó lực lượng bảo vệ rừng lại quá mỏng nên công tác quản lý bảo vệ (QLBV) rừng nơi đây còn rất gian nan…

Ông Dương Anh Đức, Giám đốc Ban quản lý (BQL) rừng LSVHMT Hồ Lắk cho biết: Hiện tại, đơn vị được giao QLBV hơn 10.300 ha rừng, nằm trải dài theo các xã Yang Tao, Bông Krang, Đắk Liêng và thị trấn Liên Sơn. Để QLBV diện tích rừng được giao, BQL đã bố trí 4 trạm bảo vệ rừng và 1 tổ tuần tra bảo vệ lưu động với số lượng chỉ hơn 30 người. Do lực lượng mỏng, công cụ hỗ trợ hầu như không có nên công tác QLBV rừng còn gặp nhiều khó khăn.

Cán bộ BQL Rừng LSVHMT Hồ Lắk trong một chuyến tuần tra.
Cán bộ BQL Rừng LSVHMT Hồ Lắk trong một chuyến tuần tra.

Đến Trạm QLBV rừng số 2, Ban quản lý rừng LSVHMT Hồ Lắk (đóng trên địa bàn xã Yang Tao), được nghe về những chuyện nghề, tận mắt chứng kiến cuộc sống hằng ngày của các anh mới thấu hiểu được nỗi vất vả của nghề giữ rừng. Anh Trần Văn Lan, Trạm phó Trạm QLBV rừng số 2 chia sẻ, trong hơn 10 năm giữ rừng thì thời gian anh “ở rừng” nhiều hơn ở nhà. Trạm số 2 được phân công quản lý 3 tiểu khu với diện tích khoảng 4.000 ha nhưng chỉ vỏn vẹn có… 4 người. Do lực lượng mỏng, nên các anh phải chia nhau túc trực 24/24. Đặc biệt là vào những dịp lễ, tết, người dân lợi dụng thời điểm này để phát rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản nên các anh lại càng ở trong rừng dài ngày hơn. “Mặc dù phải xa gia đình nhưng với những người gắn bó với rừng như chúng tôi thì việc bảo vệ rừng luôn được đặt lên hàng đầu”- anh Lan tâm sự. Còn với anh Trần Hữu Quý thì hơn 10 năm công tác ở đây cũng là chừng ấy thời gian “ngày đội nắng, tối phơi sương” với rừng. “Nhờ có sự quan tâm của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và gia đình động viên nên chúng tôi cũng vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao”- anh Quý chia sẻ.

Bên cạnh lực lượng trực tiếp quản lý bảo vệ rừng, những năm qua, BQL rừng LSVHMT Hồ Lắk còn huy động được sức mạnh từ phía người dân trong công tác giữ rừng. Trong các đợt tuần tra kiểm soát rừng, tổ tuần tra lưu động cũng như các trạm cửa rừng phối hợp với tổ xung kích của các xã kết hợp tuyên truyền, vận động người dân (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ)  không vào rừng săn bắt động vật hoang dã hay khai thác lâm sản, đặc biệt không được phát rừng làm nương rẫy. Song song với đó, từ năm 2013 đến nay, BQL rừng LSVHMT Hồ Lắk đã tiến hành giao khoán hơn 6.000 ha rừng cho nhân dân các xã: Yang Tao, Đắk Liêng, Bông Krang, Đắk Phơi nhận QLBV và được chi trả tiền công theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ông Ama Hà, Trưởng buôn Dơng Yang (xã Yang Tao) vui mừng cho biết: Từ ngày được tham gia vào công tác bảo vệ rừng, người dân trong buôn thấy cần phải có trách nhiệm hơn nữa trong việc bảo vệ rừng, vì từ khi có rừng nhận khoán đã góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập cho bà con. “Gia đình tôi cũng được nhận 20 ha rừng để QLBV”- Ama Hà khoe.

Trong quá trình làm nhiệm vụ, không ít cán bộ QLBV rừng đã gặp nạn vì bị các đối tượng vi phạm hành hung hay những rủi ro khách quan như: bị rắn cắn, vắt đeo, côn trùng có nọc độc chích... Dẫu khó khăn, vất vả là vậy nhưng các cán bộ BQL rừng LSVHMT Hồ Lắk vẫn đêm ngày miệt mài với nhiệm vụ của mình để giữ cho những cánh rừng mãi xanh tươi.

Khu rừng Lịch sử - Văn hóa - Môi trường Hồ Lắk (một loại rừng đặc dụng) có tổng diện tích hơn 10.300 ha. Rừng được thành lập vào năm 1995, với mục đích chủ yếu để bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo vệ di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh phục vụ nghỉ ngơi du lịch kết hợp với phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái. Tại đây, người ta đã phát hiện có 548 loài thực vật thuộc 118 họ, 132 loài chim, 61 loài thú, 43 loài lưỡng cư - bò sát…

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc