Multimedia Đọc Báo in

Băn khoăn chọn quà cho con trẻ

11:00, 28/06/2016

Một dịp lễ Quốc tế thiếu nhi nữa cũng vừa qua đi nhưng với nhiều bậc phụ huynh, vẫn còn nhiều băn khoăn trong việc chọn quà cho con trẻ. Bởi đồ chơi Trung Quốc thì được bày bán khá phong phú nhưng lại khiến nhiều người dè chừng về chất lượng, trong khi đồ chơi Việt vẫn chưa thật sự cho người tiêu dùng (NTD) có nhiều lựa chọn.

 Đồ chơi là thứ không thể thiếu và có ý nghĩa với nhiều trẻ em, nó giúp trẻ phát triển trí tuệ, kích thích óc sáng tạo. Và việc chọn đồ chơi làm những món quà tặng cho con mỗi dịp lễ đã trở thành thói quen của các bậc phụ huynh. Thế nhưng, nhiều người không cảm thấy mấy vui khi tìm hiểu để chọn mua món đồ chơi làm quà biếu cho con, em mình trong dịp này. Anh Nguyễn Hồng Phúc (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, chúng tôi mong muốn tìm kiếm những món đồ an toàn, mang tính giáo dục nhẹ nhàng, giá cả bình dân để con vừa học vừa chơi. Thế nhưng, trên thị trường, những loại đồ chơi dạng này lại khá khan hiếm, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách. Thận trọng với đồ chơi Trung Quốc, nhiều người cân nhắc và ưu tiên chọn mua đồ chơi được sản xuất trong nước cho con, em mình nhưng việc tìm mua cũng không phải dễ dàng. Chị Phan Thị Ngân (phường Tân Thành) chia sẻ, đồ chơi Việt thì quanh đi quẩn lại cũng chỉ là gỗ Đức Thành, bộ xếp hình, bảng chữ cái của Nam Hoa… Mặt hàng này do trong nước sản xuất rất nghèo nàn về mẫu mã, kiểu dáng đơn điệu, trong khi, giá lại khá cao.

Chọn mua đồ chơi trẻ em tại một cửa hàng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Chọn mua đồ chơi trẻ em tại một cửa hàng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Đúng như  nhận xét của nhiều người, ghé vào nhiều cửa hàng đồ chơi trẻ em trên các tuyến đường Y Jut, Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột) chỗ nào cũng bày bán la liệt đồ chơi, khá phong phú về chủng loại: từ chiếc ô tô điều khiển, lego xếp hình dành cho bé trai đến búp bê, bờm tóc, vương miện, kính thời trang ngộ nghĩnh, mặt nạ hoá trang, tóc giả… dành cho bé gái theo lứa tuổi có, giá từ vài ngàn đồng đến trên 100.000 đồng/sản phẩm. Thế nhưng, phần lớn lại có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo quan sát, ngoài những món hàng trên thì vẫn không thiếu đồ chơi mang tính bạo lực như súng bắn tia lazer, đao, kiếm… Chủ một tiệm bán đồ chơi trên đường Phan Chu Trinh tiết lộ, mặt hàng này nếu mà của Trung Quốc thì mới có giá rẻ, trong đó, chỉ số ít có tem hợp quy, hợp chuẩn nhưng phần lớn vẫn là hàng trôi nổi, không nhãn mác, tem CR.

Nhiều chủ cửa hàng bán đồ chơi trẻ em cũng nhận định, gần đây, phụ huynh đã chi tiêu “mạnh tay” hơn để sắm đồ chơi cho con trẻ, trong khi đó, đồ chơi của Trung Quốc giá rẻ khá kén người mua. Dịp 1-6 vừa qua, đối với các gia đình có con nhỏ, hầu hết phụ huynh đều quan tâm trước hết đến nguồn gốc, thành phần nhựa, tem hợp quy hợp chuẩn của sản phẩm trước khi quyết định mua. Chị Nguyễn Thị Hạnh, chủ cửa hàng đồ chơi trẻ em trên đường Phan Chu Trinh cho hay, khách hàng bây giờ khá kỹ tính, khi mua hàng họ hỏi đến xuất xứ, chất lượng nhựa đầu tiên, sau đó mới đến giá tiền, thậm chí, chấp nhận bỏ ra nhiều tiền hơn để tránh mua phải đồ chơi của Trung Quốc độc hại. Theo đó, đồ chơi nhập khẩu như bộ lego của Đan Mạch, xe điều khiển từ xa, xe vượt địa hình của Hàn Quốc... dù có giá đắt gấp 3 lần so với đồ chơi Trung Quốc vẫn được NTD lựa chọn.  Riêng về đồ chơi Việt cũng có các sản phẩm bộ xếp hình, đĩa bay, con quay Tosy, bộ lắp ráp xếp hình nhà, xe, con vật… song có giá khá cao, khoảng trên 100.000 đồng đến 480.000 đồng/sản phẩm.

Có thể thấy, tâm lý chọn đồ chơi nghiêng về hàng Việt để đổi lấy sự an toàn cho con trẻ đang dần được nhiều bậc phụ huynh coi trọng. Đây là tín hiệu đáng mừng trong ý thức tiêu dùng của người dân Đắk Lắk. Tuy nhiên, trên thực tế, phải thừa nhận đồ chơi Việt chưa thực sự đột phá và vẫn giữa giá khá cao, thành ra không phải phụ huynh nào cũng có thể mua được. Góp thêm về điều này, chị Hạnh cũng chia sẻ, điều đáng nói là hàng trong nước chưa thật sự hấp dẫn trẻ em vì phần lớn được thiết kế trên chất liệu gỗ nên màu sắc cũng như mẫu mã không bắt mắt lại khá đơn điệu và rất ít khi được thay đổi kiểu dáng. Theo Chi cục QLTT tỉnh, việc kiểm tra, kiểm soát mặt hàng đồ chơi trẻ em được đơn vị thực hiện theo kế hoạch, vào dịp lễ, tết thì mở đợt tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Tuy nhiên, đồ chơi Trung Quốc vẫn còn bày bán trên thị trường công khai lẫn lén lút và đa phần là lựa chọn của NTD có thu nhập thấp, nhất là ở các vùng sâu vùng xa trong tỉnh. Đồ chơi Việt ít được tiểu thương bày bán hơn nhưng lại chấp hành khá tốt các quy định về nguồn gốc, nhãn mác, tem hợp quy hợp chuẩn, hóa đơn chứng từ…

Thực tế trên cũng đặt ra vấn đề rất cần sự nỗ lực, linh động của bản thân doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này để thiết kế, đổi mới mẫu mã, tạo ra những sản phẩm chiếm lĩnh được thị phần đang còn nhiều tiềm năng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm của người dân địa phương.   

 Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.