Multimedia Đọc Báo in

Quan tâm, chăm lo cho trẻ em bằng những việc làm thiết thực

11:00, 28/06/2016

Đầu tháng 6-2016 vừa qua, cô, trò Trường Mẫu giáo Hoa Huệ (xã Ea Tân, huyện Krông Năng) đã đón nhận niềm vui bất ngờ khi được Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh và Công ty Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam phối hợp trao tặng 6 bồn chứa nước cùng 200 suất quà.

Trường Mẫu giáo Hoa Huệ được thành lập từ năm 2010, đến nay có 8 điểm trường, với 415 học sinh, điểm xa nhất cách trường chính 12 km. Ở điểm trường chính, mặc dù có giếng nước nhưng vào mùa khô thường cạn kiệt, nên phải xin nước của các hộ xung quanh. Các điểm trường còn lại còn khó khăn hơn vì chưa có giếng. Vì vậy, bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, giáo viên phải thay nhau đi xách nước về phục vụ sinh hoạt. Cũng vì không chủ động nguồn nước sạch nên mới chỉ 5 điểm trường có bán trú, 3 điểm còn lại chưa tổ chức được, thậm chí còn không có cả nhà vệ sinh. Cô Nguyễn Thị Thúy, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Ban giám hiệu nhà trường đã có tờ trình xin kinh phí khoan giếng nhưng đến giờ vẫn chưa được đầu tư. Do vậy, trước mắt, nhà trường sẽ phân bổ các bồn chứa nước được trao tặng cho những điểm trường khó khăn nhất, đồng thời nhờ một số phụ huynh dùng xe máy cày chở nước đến đổ vào bồn chứa. Có nước dự trữ, các cô giáo sẽ bớt vất vả và có thêm thời gian chăm lo tốt hơn cho học sinh”. Trong dịp này, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Bé và Tiểu học Nguyễn Khuyến (xã Ea Tân) cũng được 2 đơn vị trên trao tặng 4 bồn chứa nước; tổng giá trị quà tặng cho 3 trường là 41 triệu đồng.

Dạy bơi cho trẻ em tại hồ bơi Nhà văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh.
Dạy bơi cho trẻ em tại hồ bơi Nhà văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh.

 Cùng chung tấm lòng hướng về trẻ em nghèo, giữa tháng 5-2016 vừa qua, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh đã vận động, phối hợp với Nhóm Thiện nguyện ACE Group (TP. Hồ Chí Minh) trao tặng 125 xe đạp, 45 suất học bổng, tổng trị giá hơn 224 triệu đồng cho học sinh hiếu học, có hoàn cảnh khó khăn thuộc các xã Dang Kang, Cư Kty, Yang Mao, Yang Reh (huyện Krông Bông). Ông Đinh Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Toàn huyện có 4.256 trẻ em sống trong gia đình thuộc diện nghèo, 429 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Vì vậy, chương trình “Hành trình tiếp sức đến trường” là hoạt động thiết thực, góp phần giúp các em và gia đình vơi bớt phần nào khó khăn”.

Hòa chung trong các hoạt động chăm sóc bảo vệ, giáo dục trẻ em, tại Nhà văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh, ngoài việc duy trì các câu lạc bộ đội, nhóm, các lớp năng khiếu, giáo dục kỹ năng sống, các hoạt động vui chơi, giải trí bổ ích, đơn vị còn tổ chức nhiều lớp dạy bơi, phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em. Để triển khai dạy bơi hiệu quả, Nhà văn hóa đã đầu tư kinh phí cải tạo hồ bơi, hợp đồng với huấn luyện viên có chuyên môn. Điều đáng nói, mùa hè 2016 là năm đầu tiên Ban Giám đốc Nhà văn hóa cho lắp đặt một tấm bạt lớn che toàn bộ hồ bơi trẻ em, giúp các em có thể tập bơi bất kể trời nắng hay mưa và các bậc phụ huynh cũng có chỗ ngồi mát mẻ quan sát việc học của con em mình.

Tương tự Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh từ khi thành lập (năm 2010) đến nay, đã trở thành “cầu nối yêu thương”, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tiền và hiện vật trị giá hơn 6 tỷ đồng. Từ số tiền này, Hội đã tặng 531 suất học bổng, 234 chiếc xe đạp, cấp 740 chiếc xe lăn, xe lắc, dụng cụ trợ giúp cho học sinh nghèo, người khuyết tật, trẻ mồ côi… Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim KĐoh khẳng định: “Thông qua việc phê duyệt các chương trình, kế hoạch bảo vệ, chăm sóc trẻ em, chỉ đạo triển khai các chính sách, mục tiêu chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng, chăm lo giáo dục đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi giải trí… đã tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện”.

Mặc dù vậy, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: thiếu điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước, xâm hại có chiều hướng gia tăng… Vì vậy, để tạo môi trường an toàn, lành mạnh, thể hiện sự quan tâm, chăm lo thiết thực đối với trẻ em, ngoài sự vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị, rất cần sự chung tay của mỗi gia đình bằng những việc làm cụ thể, sát thực với chính con em mình.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.