Multimedia Đọc Báo in

Cao nguyên tươi sắc áo xanh

08:15, 16/07/2016
Cứ mỗi dịp hè về, gác lại tháng ngày miệt mài bên trang sách, bộn bề trong công việc, chiến sĩ tình nguyện “Mùa hè xanh” lại đến những vùng đất còn nhiều khó khăn, phát huy sức trẻ giúp đỡ mọi người.
 
Những ngày này, xã Hòa An (huyện Krông Pắc) dường như sôi động, rộn ràng hơn hẳn khi có 20 thanh niên tình nguyện của Trường Trung cấp Đắk Lắk về sinh hoạt. Theo chân các tình nguyện viên đến thôn 8 để cùng tu sửa đường với người dân, chúng tôi cảm nhận được rõ hơn tinh thần nhiệt huyết của các bạn trẻ. Thôn 8 là thôn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Các con đường nội thôn đa số là đường đất, không có cống thoát nước nên vào mùa mưa rất lầy lội, gây khó khăn cho người dân trong việc di chuyển. Nhận thấy điều đó, đội thanh niên tình nguyện “Mùa hè xanh” đã phối hợp với Đoàn thanh niên xã tổ chức đội tình nguyện giúp tu sửa các tuyến đường. Giữa cái nắng oi ả của buổi trưa hè, nụ cười vẫn luôn thường trực trên môi dù khuôn mặt còn ướt đẫm mồ hôi, bạn Nguyễn Thị Thu Huyền (lớp K6 KT1) cho biết: “Cùng sinh hoạt với mọi người ở đây, chúng em mới thực sự hiểu được những khó khăn thiếu thốn của người dân vùng nông thôn, cần đến sự giúp đỡ của cả cộng đồng. Tuy chưa có điều kiện để làm con đường bê tông như mong ước của người dân nhưng chúng em vẫn nỗ lực hết mình để nạo vét mương, khơi thông dòng chảy và sửa chữa những đoạn đường bị hư hỏng nặng. Hy vọng công trình sẽ nhanh chóng hoàn thành để phần nào giúp bà con đi lại thuận tiện”. Cũng chung dòng cảm xúc ấy, bạn H’Ban Mlô (lớp K6 VT1) tâm sự: “Nhận được tình cảm của người dân nơi đây chúng em cảm thấy rất tự hào vì đã đóng góp sức mình dù chỉ là rất nhỏ. Những chuyến tình nguyện như thế này không chỉ chia sẻ khó khăn, vất vả cùng nhân dân mà còn giúp chúng em có được những trải nghiệm trong cuộc sống".
Sinh viên tình nguyện nạo vét kênh mương nội đồng tại xã Hòa An (huyện Krông Pắc).
Sinh viên tình nguyện nạo vét kênh mương nội đồng tại xã Hòa An (huyện Krông Pắc).

Ngoài việc tham gia giúp người dân xây dựng các công trình, hình ảnh những “chiến sĩ áo xanh” hăng say làm cỏ trên rẫy hay ôn tập hè cho các em thiếu nhi đã dần trở nên quen thuộc với người dân xã Cư Né (huyện Krông Búk). Một ngày tình nguyện của các sinh viên bắt đầu từ 6 giờ 30 sáng và kết thúc vào 17 giờ chiều. Ngoài việc tuyên truyền các kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình nguyện viên còn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao thu hút đông đảo thanh niên ở thôn, buôn tham gia sinh hoạt.  Chị Hoàng Thị Kim (buôn Đrao) kể: “Dù vất vả, không quen với việc nhà nông, nhưng các bạn trẻ vẫn rất hăng hái và nhiệt tình. Nhờ có đoàn thanh niên tình nguyện, những ngày qua trong buôn dường như đông vui hơn, đặc biệt các công việc của đoàn tình nguyện đã giúp ích rất nhiều cho bà con”. 

Tuy chỉ mới đi được nửa chặng đường nhưng “Mùa hè xanh” đã mang tới cho các địa phương ở vùng sâu vùng xa một làn gió mới với sức trẻ, lý tưởng cống hiến cao đẹp của những đoàn viên thanh niên tình nguyện. Tính đến nay, lực lượng tình nguyện đã phối hợp mở được 110 lớp ôn tập hè cho hơn 2.030 học sinh; tổ chức 129 buổi sinh hoạt, giao lưu văn nghệ, thể thao với trên 3.700 lượt thanh niên địa phương; tuyên truyền về kỹ thuật chăm sóc cây cà phê, hồ tiêu, cây lúa, mì... cho hơn 2.200 lượt người dân. Các hoạt động tình nguyện vì an sinh xã hội như thăm hỏi, động viên gia đình chính sách, gia đình có công cách mạng cũng được tổ chức thường xuyên. Ngoài đội hình thanh niên tình nguyện cấp tỉnh, các cơ sở Đoàn trên toàn tỉnh đã huy động trên 1.195 lượt đoàn viên, hội viên, thanh niên tu sửa được hơn 8,9 km đường giao thông nông thôn, nạo vét 1.250m kênh mương nội đồng, đào 55 hố rác, hố tiêu…
 
Tham gia hoạt động tình nguyện tại các vùng khó khăn chính là điều kiện để mỗi đoàn viên thanh niên thể hiện trách nhiệm của tuổi trẻ đối với cộng đồng. Với khát khao được cống hiến cho quê hương, chiến dịch tình nguyện “Mùa hè xanh” với những công trình, phần việc thiết thực, hiệu quả đang để lại nhiều dấu ấn, góp phần tạo nên hình ảnh đẹp của tuổi trẻ trong lòng người dân địa phương.  
 
Vân Anh

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.