Trạm Y tế xã Ea Hiu (huyện Krông Pắc): Triển khai hiệu quả mô hình "Tình chị em"
Xã Ea Hiu (huyện Krông Pắc) có đông người dân tộc thiểu số sinh sống với tỷ lệ hộ nghèo trên 75%. Do cuộc sống còn nhiều khó khăn nên người dân, nhất là phụ nữ, ít có điều kiện chăm sóc sức khỏe sinh sản, kiến thức về kế hoạch hóa gia đình còn rất hạn chế, tỷ lệ chị em trong độ tuổi sinh đẻ mắc các bệnh phụ khoa cao.
Năm 2014, Dự án “Hoàn thiện và nhân rộng toàn quốc mô hình nhượng quyền xã hội chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tại các cơ sở y tế Nhà nước” (gọi tắt là mô hình “Tình chị em”) được triển khai tại Ea Hiu. Trạm Y tế xã đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức truyền thông nhóm tại cộng đồng mỗi tháng từ 3 - 4 lần để giới thiệu, quảng bá mô hình “Tình chị em”, đồng thời phân công cho cộng tác viên thường xuyên đến thăm hộ gia đình, tư vấn trực tiếp, cấp phát tài liệu, tờ rơi… nhằm giúp chị em có thêm kiến thức, biết cách chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình, khắc phục tâm lý e ngại khi tiếp cận với các dịch vụ sức khỏe sinh sản - KHHGĐ. Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Mai Huy cho biết: “Cán bộ trạm y tế đã được tập huấn nâng cao tay nghề, kỹ năng tuyên truyền, kỹ năng tư vấn. Dự án còn bổ sung cho trạm y tế các trang thiết bị, dụng cụ y tế để bảo đảm phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tại trạm, như: chăm sóc thai nghén, đỡ đẻ, khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường sinh sản, tình dục, thực hiện các biện pháp tránh thai… Đặc biệt, Dự án còn hỗ trợ mua sắm, sơn sửa lại phòng tư vấn “Tình chị em” để tạo một không gian tiếp khách thân thiện, lịch sự. Diện mạo thay đổi, tác phong làm việc chuyên nghiệp, cán bộ nhân viên y tế lại gần gũi, thân thiện và rất nhiệt tình là lý do khách hàng ngày càng yên tâm và tin tưởng khi đến với trạm, chất lượng khám chữa bệnh tại trạm cũng được nâng cao”.
Tư vấn cho người dân lựa chọn các biện pháp kế hoạch hóa gia đình tại Trạm Y tế xã Ea Hiu. |
Theo chị Võ Thị Lệ Oanh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ea Hiu, hiệu quả lớn nhất là đã giúp người dân, nhất là phụ nữ nhận thức được tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bản thân, gia đình, cộng đồng. Họ đã tích cực tham dự những buổi truyền thông tại cộng đồng, bỏ qua tâm lý e ngại, rụt rè, mạnh dạn tự tin hỏi cán bộ về những vấn đề tế nhị của chị em. Nhờ đó, số lượng chị em đến trạm sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản – KHHGĐ tăng gấp 2-3 lần so với khi chưa triển khai Dự án. Như chị Mó Pơi (thôn Tà Rầu) đã tìm đến phòng tư vấn “Tình chị em” tại Trạm Y tế xã 2 lần để tiêm thuốc ngừa thai. Chị cho biết: “Trước đây, tôi kế hoạch hóa bằng viên thuốc tránh thai, hay quên nên muốn thay đổi biện pháp kế hoạch. Được chị em trong thôn truyền tai nhau về phòng tư vấn “Tình chị em”, tôi đến thử xem thế nào. Đến đây, tôi rất hài lòng bởi thái độ phục vụ tận tình của đội ngũ nhân viên. Tôi được chăm sóc chu đáo, được tư vấn kỹ lưỡng mà vẫn không phải đóng thêm một khoản chi phí nào”. Còn chị Nguyễn Thị Loan (buôn Roang Dơng) đến phòng tư vấn “Tình chị em” để được tư vấn về cách sử dụng các biện pháp tránh thai. Trước đây, chị thường nhận bao cao su do cộng tác viên dân số phát tại nhà, vì ngại ngùng nên có thắc mắc gì cũng không dám hỏi. Bây giờ, chị thường tìm đến phòng tư vấn “tình chị em” để được tư vấn, tâm sự, kể cả những chuyện thầm kín nhất.
Đến nay, 80% số cặp vợ chồng trong xã Ea Hiu đã áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, tỷ lệ vị thành niên, thanh niên, phụ nữ được tiếp cận các thông tin về sức khỏe sinh sản - KHHGĐ tăng cao. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2016, đã có 632 lượt người nhận dịch vụ KHHGĐ như: viên uống tránh thai, đặt vòng, tháo vòng, thuốc tiêm tránh thai, bao cao su…; số lượt người khám, điều trị các bệnh phụ khoa, xét nghiệm VIA ung thư cổ tử cung, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản là 865 người.
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc