Multimedia Đọc Báo in

Hậu quả nặng nề do tảo hôn ở Ea Rốk

08:18, 21/08/2016

Lấy chồng sớm, mang thai và sinh con khi cơ thể chưa phát triển đầy đủ đã để lại những hậu quả nặng nề cho không ít cô gái ở xã Ea Rốk (huyện Ea Súp).

Học hết lớp 6 thì Siu H’D.L.M (thôn 8, xã Ea Rốk) bỏ học ở nhà đi làm. Hai năm sau, khi mới 14 tuổi thì M. lấy chồng. Kết hôn khi tuổi còn quá nhỏ, kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản hầu như không có nên khi mang thai lần đầu M. cũng không biết, đến khi thai được 6 tháng thì bị sảy thai rồi bị bệnh viêm tử cung và phải  điều trị trong thời gian dài. Bốn năm sau, M. mới mang thai lần hai nhưng lại sinh sớm ở tháng thứ 7 và phải nuôi con trong lồng kính. Đến lần mang thai thứ ba, M. cũng phải uống thuốc giữ thai, đứa con sinh ra chỉ nặng 1,8 kg… Mang thai sớm, lại trải qua nhiều lần mang nặng đẻ đau cùng với việc ăn uống thiếu dinh dưỡng đã làm cho Siu H’D.L.M ngày càng tiều tụy; 3 đứa con thì suy dinh dưỡng, thường xuyên đau ốm. Gần nhà M. còn có em Siu H’Th. lấy chồng năm 2012 khi mới 15 tuổi. Hiện tại Siu H’Th. đã có 2 con (đứa đầu sinh năm 2014, còn đứa thứ 2 sinh năm 2015 do không biết kế hoạch). Gia đình có 4 nhân khẩu nhưng không có đất canh tác; hằng ngày chồng của Siu H’Th. phải đi làm thợ hồ, hoặc làm thuê, làm mướn để có tiền trang trải cuộc sống.

Qua tìm hiểu thực tế, tình trạng tảo hôn không chỉ ở thôn 8 mà còn xảy ra nhiều thôn khác ở xã Ea Rốk. Từ năm 2013 đến năm 2015, toàn xã có đến 39 cặp tảo hôn, riêng thôn 8 có 14 cặp, thôn 5 có 13 cặp... Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng tảo hôn ở xã Ea Rốk là do trình độ dân trí còn thấp, nhận thức của người dân còn hạn chế; điều kiện kinh tế khó khăn nên xuất hiện tình trạng trẻ em gái bỏ học sớm rồi đi lấy chồng.

Từ đầu năm 2016, Đảng ủy xã Ea Rốk đã chỉ đạo các chi bộ, các đoàn thể phải xem việc bài trừ nạn tảo hôn là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, không xếp loại tổ chức cơ sở đảng “trong sạch, vững mạnh” nếu ở địa phương đó có tảo hôn; không công nhận gia đình văn hóa 3 năm liên tục nếu gia đình có con em tảo hôn. Bên cạnh đó, Ban Dân số-KHHGĐ xã đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động truyền thông như: tổ chức sinh hoạt nhóm tại các thôn, tuyên truyền trên loa truyền thanh về Luật Hôn nhân và Gia đình, các nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành viên, những hệ lụy của tảo hôn…Tuy vậy, hiệu quả cũng rất hạn chế, từ đầu năm 2016 đến nay trên địa bàn xã vẫn có 6 cặp tảo hôn.

Thực tế chế tài xử phạt đã có, quyết tâm của địa phương cũng rất cao, nhưng nếu không thực hiện quyết liệt thì xem ra việc giảm tình trạng tảo hôn ở xã Ea Rốk sẽ còn nhiều nan giải…       

Võ Thảo


Ý kiến bạn đọc