Multimedia Đọc Báo in

Huyện Buôn Đôn nỗ lực triển khai các chính sách dân tộc

09:05, 21/09/2016

Với nỗ lực và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, huyện Buôn Đôn đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống người dân tộc thiểu số (DTTS).

Những năm qua, công tác triển khai chính sách dân tộc trên địa bàn huyện Buôn Đôn đã có những chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở tất cả các lĩnh vực. Các dự án, chương trình của Chính phủ đầu tư trong vùng đồng bào DTTS, đặc biệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới... được triển khai đồng bộ đem lại hiệu quả tích cực.

Triển khai sâu rộng

Huyện Buôn Đôn có 18 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó tỷ lệ người DTTS chiếm gần 47%, chủ yếu là đồng bào Êđê, Tày, Nùng, Thái, M’nông… Theo thống kê, huyện Buôn Đôn đã triển khai thực hiện khoảng gần 20 chương trình, chính sách dân tộc do Trung ương và tỉnh ban hành, góp phần từng bước ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS trên địa bàn.

Điển hình là việc thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong 5 năm qua (từ năm 2011-2015), huyện đã triển khai hiệu quả công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Theo đó đã đào tạo nghề cho khoảng 2.250 lao động, trong đó có gần 35% đồng bào DTTS; giải quyết việc làm cho khoảng 1.100 lao động/năm; cấp thẻ BHYT miễn phí cho 280.581 lượt người, trong đó có hàng nghìn lượt người DTTS cư trú ở xã biên giới, vùng đặc biệt khó khăn...

Thực hiện Chương trình 135 của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi, huyện đã hỗ trợ phát triển sản xuất cho 1.044 hộ tổng kinh phí thực hiện trên 7,8 tỷ đồng; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng với tổng số vốn khoảng 36,3 tỷ đồng để xây dựng 78 công trình; tổ chức 3 lớp tập huấn hỗ trợ nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng cho 150 học viên tham gia.

Có thể nói, các chương trình, chính sách dân tộc là “đòn bẩy” vững chắc giúp nhiều hộ đồng bào DTTS phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Giúp người dân vươn lên thoát nghèo

Chị H’Biêr Êban ở buôn Knia 4, xã Ea Bar phấn khởi: “Thời gian trước, đời sống của người dân trong buôn gặp rất nhiều khó khăn, hạt lúa, củ sắn làm ra không tư thương nào muốn vào mua vì đường sá đi lại khó khăn, nhất là khi trời mưa. Từ năm 2014 đến nay, nhờ hưởng lợi từ Chương trình 135 hỗ trợ làm một số tuyến đường giao thông cho buôn nên việc đi lại, buôn bán nông sản của người dân đã được thuận lợi hơn nhiều. Từ ngày có đường mới, bà con cũng yên tâm mở rộng sản xuất vì thương lái tìm vào tận chân đồi để thu mua nông sản”.

Các chính sách dân tộc góp phần giúp người dân phát triển kinh tế  (Ảnh: Người dân xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn đang chăm sóc cây trồng).
Các chính sách dân tộc góp phần giúp người dân phát triển kinh tế (Ảnh: Người dân xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn đang chăm sóc cây trồng).

Gia đình bà H’Tdri Byă ở buôn Knia 1, xã Ea Bar là một trong nhiều hộ DTTS trên địa bàn huyện được hỗ trợ bò theo Chương trình 135 của Chính phủ. Trước đây, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo của xã, cuộc sống chỉ trông chờ vào 4 sào rẫy nên thiếu thốn đủ bề. Năm 2010, được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò mẹ làm vốn phát triển kinh tế. Sau mỗi năm bò sinh sản bà đều giữ lại bê cái nuôi làm giống. Hiện gia đình bà đang có 3 bò mẹ sinh sản. Nhờ chăm chỉ làm ăn, đến nay gia đình bà H’Tdri không chỉ đã vươn lên thoát nghèo mà mỗi năm còn để dành được khoảng 30 triệu đồng từ nguồn bán phân và bò thịt.

Tính đến hết năm 2015, huyện Buôn Đôn cơ bản đã không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm 3,59%, cao hơn mức bình quân của tỉnh trên 1,1%; khối đại đoàn kết toàn dân không ngừng được củng cố, góp phần khơi dậy động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.

Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn Y Si Thắt Ksơr

Hay như trường hợp của gia đình anh Y Bhô Alêô ở buôn Niêng 3, xã Ea Nuôl là 1 trong số 17 hộ nghèo người DTTS của xã được cấp 4,4 sào đất sản xuất theo Quyết định 755 của Chính phủ vào năm 2014. Nhờ thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng do xã tổ chức hằng năm, anh Y Blô đã mạnh dạn mua giống cà phê, sầu riêng cao sản về trồng. Lấy ngắn nuôi dài, anh còn trồng xen các loại cây ngắn ngày như ngô, đậu trong rẫy cà phê, mỗi năm thu nhập khoảng 50 triệu đồng...

Ông Y Si Thắt Ksơr, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn cho hay, nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã từng bước phát triển ổn định. Đến nay, hầu hết các xã trong huyện đều đã có đường rải nhựa vào tới trung tâm và hệ thống điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt của người dân; 100% số xã có điểm bưu điện văn hóa xã; 100% xã có trạm y tế và bảo đảm tốt công tác khám chữa bệnh ban đầu cho bà con; tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại các vùng khó khăn trong huyện cũng cơ bản được khắc phục…

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.