Multimedia Đọc Báo in

Buôn nghèo mỏi mòn chờ điện

16:01, 26/11/2016

Buôn Xê Đăng nằm cách xa trung tâm và là buôn nghèo nhất của xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar). Đã vậy, ở nơi đây chưa có điện nên đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn.

Chị Triệu Thị Thu Trang ở xóm 1, buôn Xê Đăng cho biết, cả buôn chưa gia đình nào có điện sinh hoạt. Cuộc sống của người dân quanh năm chỉ làm bạn với bếp củi, đèn dầu. Nhà nào có điều kiện thì mua tấm năng lượng mặt trời về tích điện để sạc bình ắc quy. Những ngày nắng thì còn có điện để thắp sáng chứ ngày mưa là cả buôn tối om.

Nguồn điện duy nhất của gia đình chị Triệu Thị Thu Trang là chiếc bình ắc quy.
Nguồn điện duy nhất của gia đình chị Triệu Thị Thu Trang là chiếc bình ắc quy.

 

 

“Bà con trong buôn chỉ có một mong muốn lớn nhất là Nhà nước sớm đầu tư lưới điện để có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập; các cháu nhỏ được xem tivi và được học bài dưới ánh sáng đèn điện thay vì học dưới ánh đèn dầu tù mù” 

 

 Ông Triệu Tiến Đức,

Phó Trưởng buôn Xê Đăng

Không có điện, cuộc sống của người dân trong buôn vốn đã khó khăn lại càng trở nên chậm tiến hơn bởi không nắm bắt các thông tin thời sự, không cập nhật những tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Đời sống tinh thần càng nghèo, chuyện học hành của con trẻ cũng trở nên trắc trở hơn. Không có điện, nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của bà con phải phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa và sự hỗ trợ từ Nhà nước.

Ông Triệu Tiến Đức, Phó Trưởng buôn Xê Đăng cho hay, mấy năm gần đây, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước về cơ sở hạ tầng, cùng nhiều chương trình hỗ trợ khác nên đời sống của bà con buôn Xê Đăng bắt đầu thay đổi. Tuy nhiên lưới điện quốc gia vẫn chưa được kéo về buôn gây khá nhiều cản trở trong đời sống sinh hoạt và lao động sản xuất.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Huy Hùng, Chủ tịch UBND xã Ea Kuêh cho biết, buôn Xê Đăng hiện có 96 hộ, hơn 441 nhân khẩu. Hầu hết các hộ trong buôn thuộc diện nghèo, cận nghèo (79 hộ) do đó người dân không có điều kiện chủ động trong việc kéo điện mà chủ yếu trông chờ vào sự hỗ trợ từ Nhà nước. Nhà nước cũng có chủ trương hỗ trợ người dân kéo điện theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, tuy nhiên do điều kiện kinh tế khó khăn nên bà con không thể đóng góp kinh phí cùng thực hiện làm đường điện. Số hộ gia đình có khả năng đóng góp chiếm tỷ lệ rất ít nên đến nay việc kéo điện cho người dân trong buôn vẫn chưa thể thực hiện.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.