Chỗ dựa vững chắc giúp phụ nữ vươn lên
Phát huy nội lực sẵn có, tích cực vận động phụ nữ tham gia góp vốn tiết kiệm, hùn vốn giúp nhau cộng với sự trợ lực của tổ chức hội, những năm qua, Hội LHPN TP. Buôn Ma Thuột đã tiếp thêm nguồn lực giúp hội viên khó khăn vươn lên.
“Cần câu hơn xâu cá”
Năm 2014 khi chị Nguyễn Thị Tấm (thôn 4, xã Ea Tu) phát hiện mình bị bệnh ung thư phổi, gia cảnh rơi vào cùng quẫn. Chồng chị phải nghỉ công việc làm bảo vệ, bán bớt đất đai, vay mượn thêm tiền đưa vợ đi chữa trị. Sau gần 3 năm chạy chữa và 7 lần xạ trị, bệnh tình của chị dần thuyên giảm nhưng nguồn lực kinh tế của gia đình đã cạn kiệt và trở thành hộ nghèo của thôn. Cảm thông, chia sẻ trước khó khăn đó, tháng 10-2016, Hội Phụ nữ xã Ea Tu quyết định dồn toàn bộ số tiền 9 triệu đồng từ nguồn vốn “Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” năm 2016 cho gia đình chị vay không lãi trong vòng 3 năm. Với số vốn đó gia đình đã mua 5 con dê, đến nay 1 con đã đẻ, 2 con nữa cũng sắp cho thêm dê con. Không những vậy, được Hội tín chấp, chị đã hoàn thiện thủ tục vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), khi được giải ngân nguồn vốn sẽ đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi.
Trồng hoa giúp gia đình chị Phan Thị Ánh (thôn Tân Hưng, xã Ea Kao) có nguồn thu nhập ổn định. |
Không có vốn đầu tư, chăm sóc nên 2 ha cà phê của gia đình chị Mí Ngơ ở buôn H’Drát (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) năng suất thấp, cuộc sống khó khăn. Qua khảo sát, gia đình chị được Hội Phụ nữ xã tín chấp vay tổng cộng 18 triệu đồng của NHCSXH. Để “lấy ngắn nuôi dài”, vợ chồng chị đã chăn nuôi dê, bò, khi có vốn thì đầu tư chăm sóc cà phê. Với cách làm đó, đến nay, gia đình chị đã xuất bán được 12 con dê, bò, có thêm tiền mua phân bón, tưới nước chăm sóc cà phê, bình quân thu được 4 tấn/năm, vừa lo được cho 5 con ăn học và sửa chữa lại nhà cửa khang trang hơn.
Trước đây, với 4 sào đất trồng hoa màu, lợi nhuận thấp, cuộc sống của gia đình chị Phan Thị Ánh (thôn Tân Hưng, xã Ea Kao) gặp nhiều khó khăn. Qua học hỏi các mô hình trong vùng, vợ chồng chị quyết định cải tạo đất chuyển sang trồng hoa. Năm 2012, gia đình chị được Hội LHPN TP. Buôn Ma Thuột hỗ trợ 3,8 triệu đồng từ chương trình “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hộ”, gia đình đối ứng thêm 20% vốn để trồng 1 sào hoa cúc các loại. Sau 1 năm, mô hình này cho thu lãi 20 triệu đồng, giúp vợ chồng chị có thêm vốn mở rộng diện tích trồng hoa.
Cách làm hiệu quả
Để giúp hội viên khó khăn vươn lên, Hội LHPN TP. Buôn Ma Thuột đã chỉ đạo các cơ sở Hội xây dựng kế hoạch hỗ trợ phụ nữ hộ nghèo, cận nghèo thông qua nhiều hình thức, phấn đấu mỗi chi hội giúp ít nhất 1 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Trên cơ sở đó, mỗi cơ sở hội đều có cách làm linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế. Chẳng hạn như ở Chi hội phụ nữ thôn 4 (xã Ea Tu) có 6 tổ phụ nữ đều xây dựng mô hình hùn vốn giúp nhau. Theo đó, mỗi hội viên đóng góp từ 150.000 đến 1 triệu đồng/tháng, đến nay huy động được số vốn hàng tỷ đồng cho hội viên khó khăn vay quay vòng. Hay như Hội Phụ nữ xã Ea Kao đã xây dựng được 12 tổ vay vốn với tổng dư nợ trên 12 tỷ đồng.
Chị Đỗ Thị Kim Dũng, Chủ tịch Hội LHPN TP. Buôn Ma Thuột.
|
Trong 5 năm (2011-2015), các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn thành phố đã huy động được hơn 7 tỷ đồng từ mô hình góp vốn tiết kiệm, hùn vốn giúp nhau phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, quản lý, khai thác tốt các nguồn vốn ủy thác từ NHCSXH, tổng dư nợ trên 73 tỷ đồng, với 127 Tổ tiết kiệm và vay vốn do phụ nữ quản lý để hỗ trợ cho 3.396 chị vay. Để giúp hội viên phát huy hiệu quả vốn vay, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức 241 lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, đầu chuồng cho 14.474 lượt chị; xây dựng các câu lạc bộ, tổ liên kết giúp nhau phát triển kinh tế như: “Phụ nữ tiểu thương”, “Vườn rau sạch”, “Tổ phụ nữ liên kết ươm cây giống”, “Tổ may mặc gia công”...
Với những hình thức trên, 5 năm qua, Hội đã giúp cho 616 phụ nữ nghèo làm chủ hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố từ 5% (năm 2011) xuống còn 0,06% (năm 2015).
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc