Nỗ lực cho voi nhà sinh sản
Siêu âm, xét nghiệm trước khi mang thai những tưởng chỉ áp dụng đối với con người, nhưng ít ai ngờ những phương pháp của y học hiện đại đang được sử dụng trên đàn voi nhà của Đắk Lắk để tìm cách cho chúng sinh sản.
Đã từ lâu, việc săn bắt voi rừng bị cấm, đàn voi nhà trong tỉnh thì phải “gồng mình” để làm du lịch không có thời gian, không gian để “yêu nhau”, trong khi đó, tuổi của đàn voi nhà ngày một cao, đồng nghĩa với khả năng sinh sản của chúng cũng ngày một giảm. Nhằm duy trì đàn voi nhà trong tương lai, Trung tâm Bảo tồn voi đang khắc phục khó khăn, chạy đua với thời gian để cho chúng sinh sản.
Sinh sản cho voi là một nội dung quan trọng của công tác bảo tồn và phát triển đàn voi nhà của tỉnh. Điều đó cũng đã được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 78/2012/NQ-HĐND ngày 21-12-2012 của Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa VIII- kỳ họp thứ 5 về việc quy định một số chính sách bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk. Trong đó, các chủ voi tự nguyện đưa voi vào khu chăn thả để voi có cơ hội gặp gỡ, giao phối sinh sản thì được Nhà nước hỗ trợ kinh phí. Theo đó, hỗ trợ cho các chủ voi cái trong thời gian 30 ngày trên một chu kỳ động dục, mức hỗ trợ 500.000 đồng/ngày; thời gian voi mang thai, sinh sản và nuôi con hỗ trợ 28 tháng, mức hỗ trợ như sau: 10 tháng đầu mang thai, hỗ trợ 300.000 đồng/ngày, từ tháng thứ 11 trở đi đến tháng thứ 6 sau khi sinh con, mức hỗ trợ 600.000 đồng/ngày. Các chủ voi đực được hỗ trợ 30 ngày trên một chu kỳ động dục, mức hỗ trợ 600.000 đồng/ngày. Cũng trong thời gian này, các nài voi được hỗ trợ 200.000 đồng/nài voi/ngày. Mặc dù chính sách đã có nhưng nguồn kinh phí được cấp về eo hẹp nên Trung tâm chỉ “dám” thí điểm một vài cuộc “hợp hôn” cho voi. Cụ thể là từ ngày thành lập đến nay, đơn vị mới chỉ thả được ba cặp voi vào rừng để cho voi gặp gỡ giao phối. Tuy số lượng cặp voi thả ít, nhưng đã có tín hiệu vui nho nhỏ trong công tác sinh sản cho voi.
Nhân viên Trung tâm Bảo tồn voi chuẩn bị thuốc men, phương tiện cho một đợt khám bệnh định kỳ cho đàn voi nhà. |
Ông Nguyễn Công Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi kể: Trong đợt thả vào rừng năm 2014, cặp voi cái Mông Xen (30 tuổi) của già Ma Thíu và voi đực Y Khul của ông Y Khul ở buôn Chua (xã Yang Tao, huyện Lắk) sau một thời gian được tự do thoải mái ăn uống, đi lại trong rừng, cặp voi đã giao phối với nhau. Chứng kiến cảnh này, cả chủ voi và cán bộ trung tâm vui mừng khôn tả, tràn đầy hy vọng về voi cái sẽ thụ thai thành công. Sau một tháng ở rừng ra, cặp voi phải chia tay nhau, trở về với công việc thường nhật của chúng là chở khách du lịch đi dạo quanh hồ Lắk. Sau gần 1 năm theo dõi voi Mông Xen, các cán bộ của Trung tâm Bảo tồn voi nhận ra việc mang thai của “nàng” voi chưa thành công. “Chúng tôi cho voi vào rừng để “yêu nhau” chỉ dựa vào những biểu hiện động dục của con voi cái nên không biết chính xác thời điểm rụng trứng của voi. Thường một chu kỳ rụng trứng của voi cái khoảng 3 tháng, nhưng thời gian thả voi vào rừng chỉ được một tháng nên chưa đúng chu kỳ, và voi chưa thể mang thai”, ông Nguyễn Công Chung giải thích.
Hiện nay toàn tỉnh còn 44 voi nhà (25 voi cái, 19 voi đực), trong đó, có 25 con (16 voi cái, 9 voi đực) nằm trong đội tuổi từ 20-40 còn khả năng sinh sản, 19 con (10 voi đực, 9 voi cái) còn lại đã hơn 40 tuổi không còn khả năng sinh sản. |
Dựa vào kinh nghiệm thất bại, Trung tâm đang tiến hành áp dụng khoa học kỹ thuật để tìm phương pháp phù hợp cho đàn voi nhà có thể sinh sản theo con đường tự nhiên. Trong đó, Trung tâm đang triển khai đề tài “Nghiên cứu đánh giá khả năng sinh sản của voi thuần dưỡng trên địa bàn tỉnh”. Theo đó, Trung tâm đã tiến hành việc lấy mẫu máu và kiểm tra mẫu để xác định chu kỳ sinh sản của 8 cá thể voi cái trên địa bàn, việc làm này giúp các bác sĩ của Trung tâm biết được thời điểm rụng trứng của voi cái để đưa voi cái và voi đực vào khu rừng phù hợp cho chúng giao phối tự nhiên.
“Chúng tôi sẽ tiến hành lấy mẫu máu trong 3 chu kỳ động dục liên tiếp của voi cái (khoảng 9 tháng) để xác định chính xác thời điểm voi cái rụng trứng. Cùng với đó, cuối năm nay các chuyên gia về voi của quốc tế sẽ đến Đắk Lắk hỗ trợ Trung tâm tiến hành siêu âm kiểm tra đường sinh sản của voi để tìm ra những con voi cái có khả năng làm mẹ cao nhất và chọn ra cho giao phối. Sau đó chọn ra 3 cá thể voi cái, bắt cặp với 3 con voi đực khác đưa về thả ở khu vực rừng của Trung tâm (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) trong vòng 5 tháng, hy vọng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng này, chúng sẽ giao phối và đậu thai”, ông Chung cho biết thêm.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc