Multimedia Đọc Báo in

Kiến trúc sư trẻ đam mê cây ca cao

14:14, 31/12/2016

Tốt nghiệp ngành kiến trúc xây dựng nhưng anh Mai Thanh Sang (37 tuổi, phường Tân Tiến, TP. Buôn MaThuột) lại gắn cuộc sống của mình với với cây ca cao và sở hữu một quán cà phê mang phong cách rất riêng, được nhiều người biết đến.

Tình cờ trong một lần nhận vẽ bản thiết kế cho khách hàng, anh Sang đã được tham quan vườn cây ca cao và nghe chủ của khu vườn chia sẻ về những giá trị kinh tế cũng như dinh dưỡng của cây ca cao đối với sức khỏe con người. Tiếc thay, người chủ của khu vườn lại ở xa, không có điều kiện để chăm sóc và quản lý. Thấy được những thế mạnh của cây ca cao và niềm đam mê cây trồng, yêu khung cảnh của khu vườn, anh Sang đã quyết định nhận cải tạo lại khu vườn ca cao rộng 1,3 ha này.

Anh Mai Thanh Sang vui vẻ trò chuyện với du khách.
Anh Mai Thanh Sang vui vẻ trò chuyện với du khách.

Những ngày đầu mới bắt tay vào việc cải tạo khu vườn với công việc mới mẻ đầy thử thách, đặc biệt là những khó khăn trong việc chăm sóc cây ca cao khiến anh không khỏi trăn trở. Anh Sang cho biết: Ca cao là loại cây có khả năng thích nghi rộng và không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật chăm sóc, nhưng nó khó hơn so với cây cà phê do có nhiều bệnh lạ. Đặc biệt, nếu tỉa cành không đúng thì năng suất sẽ không tốt. Với niềm đam mê, anh Sang tìm hiểu thêm sách vở, tài liệu và nhờ sự giúp đỡ của chuyên gia đầu ngành về cây ca cao. Từ đó anh đã tích lũy được nhiều kiến thức về cách trồng cũng như chăm sóc cây ca cao để cho năng suất cao.

Vì muốn hướng tới việc sản xuất những sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe con người nên trong quá trình chăm sóc cây ca cao anh Sang hoàn toàn không dùng tới thuốc bảo vệ thực vật. Để phòng trừ các loại sâu bệnh và bọ xít thường xuyên xuất hiện trong vườn cây ca cao, anh đã mày mò tìm hiểu học cách nuôi kiến vàng để trừ các loại sâu bệnh và bọ xít. Anh tận dụng những lon bia, chai nhựa phế thải rồi treo trên cây làm tổ cho kiến vàng. Để duy trì và phát triển đàn kiến vàng, anh Sang thường xuyên “chăm sóc” chúng bằng những món ăn khoái khẩu là ruột gà, ruột vịt, tôm cá phế phẩm...  Nhờ đàn kiến này mà hằng năm anh Sang không mất nhiều chi phí vào thuốc trừ sâu mà vườn cây ca cao của anh vẫn đạt chất lượng không bị sâu bệnh nhiều.

Đến nay khu vườn đã có hơn 800 gốc ca cao với 14 loại giống khác nhau, mỗi năm cho thu hoạch 2 - 3 tấn ca cao nhân. Bên cạnh thu hoạch ca cao nhân, anh Sang còn tận dụng cơm ca cao tươi để chế biến món sinh tố ca cao, vỏ ca cao làm thức ăn nuôi dê. Với niềm đam mê và sự kiên nhẫn của mình, khu vườn giờ đây đã phong phú hơn với nhiều công trình sinh thái khác được cải tạo và xây dựng mới như: ao sen, vườn lan, chuồng dê... Để quảng bá vườn ca cao cũng như tận dụng cơm ca cao chế biến thành những ly sinh tố ca cao tươi có lợi cho sức khỏe, anh Sang đã nảy sinh sáng kiến mở quán cà phê. Tận dụng con đường vào khu vườn, tự tay anh thiết kế, mày mò trồng thêm hoa, cây xanh cho quán có không gian trong lành và gần gũi với thiên nhiên. Thế là quán cà phê Rêu Phong ra đời ngay trong khuôn viên khu vườn, tại địa chỉ 111 Y Ngông, TP. Buôn Ma Thuột.

Hiện tại, quán cà phê Rêu Phong là điểm đến của rất nhiều khách du lịch trong và ngoài tỉnh, thậm chí khách du lịch nước ngoài khi đến Buôn Ma Thuột cũng tìm tới đây để thưởng thức ly ca cao tươi nguyên chất và được thấy tận mắt quả ca cao, được chụp ảnh trong khu vườn. Chị Chu Hồng Phương (36 tuổi) du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Tôi thấy đây là một mô hình rất thú vị. Trước đến giờ tôi chỉ thấy quả ca cao trên ti vi chứ chưa được thấy tận mắt. Đến đây vừa được uống sinh tố ca cao tươi lại được tham quan trong khu vườn, chủ quán lại rất hiếu khách nên tôi và gia đình thấy rất thoải mái. Đây thực sự là nơi lý tưởng để thư giãn sau những ngày làm việc mệt mỏi, và thật khó có thể kiếm được ở giữa lòng thành phố có một nơi trong lành như thế này”.

Chia sẻ về dự định của mình, anh Sang tâm sự: “Sắp tới tôi sẽ nâng cấp khu vườn thành mô hình vườn ca cao sinh thái kết hợp với du lịch, và chế biến ca cao thành nhiều sản phẩm tiện ích tốt cho sức khỏe, hy vọng sẽ mang lại cho mọi người một không gian lý tưởng, thoải mái sau những bộn bề của cuộc sống”.

Thúy An


Ý kiến bạn đọc