Multimedia Đọc Báo in

San sẻ khó khăn với trường học vùng biên

10:21, 18/12/2016

Tặng máy vi tính cho các trường học khó khăn là một trong những hoạt động đang được Huyện Đoàn Ea Súp triển khai thực hiện với mong muốn chia sẻ giúp học sinh trên địa bàn có điều kiện học tập tốt.

Nằm ngay trung tâm thị trấn Ea Súp nhưng Trường Tiểu học Lê Lợi còn gặp nhiều khó khăn khi cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Phòng thực hành của trường đã được xây dựng từ nhiều năm, tuy nhiên do không có máy móc nên vẫn bỏ trống. Các thầy cô giáo và học sinh tại trường mong muốn có được phòng máy tính để đưa vào giảng dạy, thực hành, giúp các em bổ sung thêm kiến thức.

Học sinh Trường THPT Ea Súp thực hành môn tin học.
Học sinh Trường THPT Ea Súp thực hành môn tin học.

Tháng 11 vừa qua, niềm vui bất ngờ đã đến với thầy trò nơi đây khi được Huyện Đoàn hỗ trợ dàn máy vi tính phục vụ cho hoạt động giảng dạy, học tập.  Ngày nhận máy, khó có thể tả hết sự phấn khởi, vui mừng, thích thú của các em học sinh khi được tận mắt ngắm nhìn những chiếc máy vi tính mới tinh. Cô giáo Nguyễn Thị Lâm cho biết: “Trường có hơn 350 học sinh nhưng trước đây chỉ có 1 bộ máy vi tính cũ, vừa dùng cho công tác văn phòng vừa để soạn giáo án điện tử nên rất bất tiện. Học sinh của trường gần như "mù" tin học vì không có phương tiện học tập. Từ khi được trang bị phòng máy mới với 10 máy có kết nối Internet, giáo viên chúng tôi rất vui vì có thể cập nhật kiến thức, phương pháp dạy học mới, còn các em học sinh thì hào hứng đăng ký học trên máy”.

Với mục đích khuyến khích, thúc đẩy phổ cập tin học và phục vụ quá trình nghiên cứu, học tập, tiếp cận nguồn tri thức mới của học sinh, năm 2016, Dự án tặng máy tính cho trường học khó khăn của Huyện Đoàn Ea Súp đã trao 197 bộ máy tính mới cho 14 trường học trên địa bàn với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng.

Nằm trong danh sách các đơn vị được hỗ trợ máy vi tính, Trường THPT Ea Súp vừa được Huyện Đoàn trao tặng 22 bộ máy. Được biết, năm 2002 nhà trường đã trang bị 1 phòng máy với 18 bộ máy vi tính. Tuy nhiên do sử dụng thời gian dài lại không có điều kiện bảo dưỡng thường xuyên nên nhiều máy hư hỏng không có khả năng phục hồi. Hiện tại, phòng máy cũ có khoảng 12 máy hoạt động nhưng cũng thường bị lỗi. Với trung bình mỗi lớp 45 học sinh thì tiết thực hành tin học chỉ có thể cho nửa lớp tham gia và 4-5 em phải dùng chung 1 máy nên gặp khá nhiều khó khăn. Phòng học mới này sẽ là phương tiện giúp nhà trường nâng cao chất lượng dạy học, và hơn hết là các em học sinh sẽ được tiếp cận với phương pháp học tập mới, có “kênh” để khai thác hiệu quả, tìm hiểu thông tin phục vụ hoạt động học tập. Em Bùi Đức Quang (lớp 10A1) hào hứng: “Có phòng máy mới, mỗi tiết học thực hành, em không phải dùng chung máy với các bạn nữa mà có thể thoải mái làm bài tập thầy giao. Có điều kiện tiếp cận công nghệ, em sẽ cố gắng luyện tập và tham dự các cuộc thi giải Toán, tiếng Anh qua mạng Internet”.

Có cơ sở vật chất, máy móc hiện đại, các em học sinh có thể thực hành những kiến thức tin học được giảng dạy trên lớp, cũng như tiếp cận nhiều thông tin bổ ích từ Internet để ứng dụng vào học tập hay trong lao động - sản xuất hỗ trợ gia đình. Từ nhu cầu thực tế đó, năm 2016, Huyện Đoàn Ea Súp lên kế hoạch thực hiện Dự án tặng máy tính cho các trường khó khăn với sự tài trợ từ Công ty Vùng đất máy tính (TP. Hồ Chí Minh). Không chỉ tặng máy, Dự án còn giúp sửa chữa phòng học, lắp đặt, bảo hành, bảo dưỡng máy và cài đặt sẵn một số phần mềm, chương trình tin học ứng dụng, ứng dụng văn phòng, tiếng Anh… nhằm giúp học sinh được tiếp cận Internet dễ dàng hơn.

Hiện nay, trên địa bàn huyện còn rất nhiều trường học chưa có điều kiện trang bị các phòng máy tính hiện đại để học sinh tiếp cận với nguồn tri thức. Vì vậy ngoài sự quan tâm của các cấp, các ngành, rất cần sự chung tay góp sức của các tổ chức, doanh nghiệp, đoàn thể… nhằm sẻ chia những khó khăn, khích lệ các em tiếp tục vươn lên, nỗ lực học tập - anh Lê Hồng Hạnh, Bí thư Huyện Đoàn Ea Súp chia sẻ.

 Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.