"Sống chung" với voi rừng
Những khu rừng khộp rộng lớn từng là môi trường sống lý tưởng của voi hoang dã nay đã bị thu hẹp đến mức báo động. Do vậy, loài động vật vốn thông minh, hiền lành này trở nên hung dữ, thường xuyên kéo đàn về nhiều buôn làng kiếm ăn ở các nương rẫy, tạo nên cuộc xung đột quyết liệt giữa voi và người.
Mới đây, hơn 1 ha lúa của bà Lương Thị Thành ở buôn Đrăng Phốk (xã Krông Na, Buôn Đôn) trở thành món ăn khoái khẩu cho đàn voi chỉ trong một đêm. Bà kể: Biết tin voi rừng về, bà khăn gói, đùm gạo vào ở hẳn trong rẫy cách nhà hơn 7 cây số canh chừng vựa lúa đang thời kỳ đóng hạt. Biết có người giữ, đàn voi không dám phá. Đến khi lúa chín, bà về gọi người vào thu hoạch. Chớp thời cơ, hơn 20 con voi kéo ra ăn hết bông lúa chỉ còn trơ gốc rạ. “Một năm làm một vụ thu được khoảng 6 tấn lúa, nay voi ăn hết, tôi mót được 5 tạ lúa lép. Năm trước, voi cũng về phá nhưng không được Nhà nước hỗ trợ. Năm nay lại tái diễn” - bà Thành than thở.
Không riêng nhà bà Thành, hơn 10 ha mía, ngô, đậu, của người dân buôn Đrăng Phốk cũng bị đàn voi rừng ăn hết chỉ trong 2 ngày. Theo người dân, một năm đàn voi về 3-5 lần. Chúng đi theo đàn từ 15 – 20 con, có đàn 30-40 con. Con voi to đầu đàn vừa làm nhiệm vụ thăm dò nguồn thức ăn và thám thính các mối đe dọa đến từ con người. Voi rất tinh khôn, đánh mùi rất giỏi. Dù ở sâu trong rừng nhưng khi cây bắp bước vào thời kỳ chín sữa, lúa bắt đầu đóng hạt, voi đều đánh được mùi di chuyển về tìm thức ăn.
Đánh kẻng tạo tiếng ồn xua đuổi voi. Ảnh: V. Thụ |
Anh Trừ Ngọc Thái, ở thị trấn Ea Súp - một trong những địa phận voi hay lui tới cho biết: Nhìn đàn voi đông đúc, con nào con nấy cao to nặng nề nhưng chúng di chuyển rất êm nhẹ theo trật tự hàng lối. Cứ cuối mùa khô, cây cối, nước uống trên thượng nguồn cạn kiệt là đàn voi di chuyển ra bìa rừng trú ngụ, kiếm ăn cả tháng mới dời đi. Ban ngày, chúng quanh quẩn dưới bóng cây trên đồi cao, đợi đêm đến kéo quân xuống càn quét hoa màu. Mỗi đợt voi về, dân trong làng tập trung đốt lửa, đánh trống chiêng, thổi kèn tạo tiếng động lớn xua đuổi nhưng voi chỉ sợ vài lần đầu, về sau chúng chai lì, trêu ngươi lại con người.
Ông Đỗ Viết Thụ, Trưởng Phòng Bảo tồn voi (Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk) cho biết, trước thực trạng đàn voi rừng thường xuyên về các khu rẫy gần bìa rừng phá hoa màu của dân, đầu năm 2016, UBND tỉnh cấp kinh phí thành lập 9 tổ bảo vệ voi ở 3 huyện nằm trong hành lang di chuyển của voi gồm Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’leo. Mỗi năm tổ bảo vệ gồm 10 người được cấp 40 triệu đồng, trong đó 20 triệu dùng để mua sắm dụng cụ xua đuổi voi, số còn lại là tiền xăng xe cho các thành viên. Nhiệm vụ của tổ bảo vệ là hỗ trợ người dân trong công tác xua đuổi voi bằng các biện pháp an toàn nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân đồng thời bảo vệ tính mạng đàn voi; tiến hành xác minh, thống kê thiệt hại tài sản trình lên cơ quan chức năng hỗ trợ kinh phí đồng thời tương tác với Trung tâm Bảo tồn voi, báo tin khi voi gặp nạn để lên phương án cứu hộ.
UBND tỉnh cũng đã phê duyệt chính sách hỗ trợ thiệt hại diện tích hoa màu do voi phá với điều kiện đất canh tác phải hợp pháp như: Đất có sổ đỏ, đất nằm trong quy hoạch được chính quyền phê duyệt, đất thuộc khu canh tác truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số và đất được Nhà nước giao cho thuê thực hiện dự án. Năm 2015, khu vực buôn Đrăng Phốk, xã Krông Na là nơi đầu tiên thực hiện hỗ trợ 20 triệu đồng cho khoảng 4 ha hoa màu bị voi phá. Tuy nhiên, phần lớn diện tích thiệt hại có nguồn gốc từ đất rừng, những người dân không nhận được hỗ trợ có khuynh hướng tự hành động bảo vệ tài sản bằng các biện pháp tiêu cực.
Cũng theo ông Đỗ Viết Thụ, sống trong vùng có voi cư trú thì việc loại bỏ chúng ra khỏi đời sống con người là điều hoàn toàn không thể. Chúng ta phải chọn cách chung sống hài hòa với voi như con người sống chung với lũ. Các biện pháp xua đuổi voi chỉ là trước mắt, về lâu dài cần có kế hoạch đồng bộ của các ban ngành liên quan. Đầu tiên, phải trả lại môi trường sống cho voi. Đắk Lắk được thiên nhiên ban tặng khu Vườn Quốc gia Yok Đôn rộng hàng trăm ha là điều kiện thuận lợi để quy hoạch sinh cảnh cho voi. Những địa bàn nằm trên hành lang di chuyển của voi như xã Cư M’lan, Ia J’lơi, Ya Lốp… cần nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo kinh nghiệm, đậu, bắp, mía, lúa thường là thực đơn ưa thích của voi, nên cần thay thế các loại khác. Vấn đề này cần có sự vào cuộc của Ngành nông nghiệp trong việc nghiên cứu chọn giống cây trồng phù hợp tạo sinh kế bền vững cho dân. Đồng thời, đề nghị Bộ NN&PTNT cho gắn chíp điện tử đối với voi hoang dã. Nếu tiến hành thành công sẽ tháo được “nút thắt” khó khăn trong việc giám sát hành lang di chuyển, sớm đưa ra dự báo cho người dân chủ động ứng phó, bảo vệ đàn voi. Hơn nữa thông tin từ chíp điện tử truyền về sẽ có ý nghĩa lớn cho công tác nghiên cứu việc sinh sản của loài voi thì công tác bảo tồn mới dễ triển khai được.
Theo Trung tâm Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh có 5 - 6 đàn voi hoang dã với số lượng từ 60 - 80 cá thể. Sinh cảnh sống chính của voi là các cánh rừng còn lại trên địa bàn 3 huyện Buôn Đôn, Ea Súp và Ea H’leo. |
Huỳnh Thủy
Ý kiến bạn đọc