Mùa đót ở Yang Mao
Từ tháng chạp đến tháng giêng âm lịch hằng năm, những bông đót lại bung xòe trên triền núi chênh vênh ở xã Yang Mao (huyện Krông Bông).
Những ngày này, bà con ở đây lại kéo nhau lên núi hái đót, coi đó là thứ “lộc rừng” mà đất trời mang lại, là lâm sản phụ giúp giải quyết khó khăn mùa giáp hạt.
Cây đót có thân thẳng, lớp vỏ dai, bên trong xốp, thường mọc thành từng bụi, từng khóm lớn trên các dốc cao, hay ở lưng chừng đèo. Cứ đến đầu mùa xuân, cây đót lại trổ bông, bông đót có nhiều nhánh, mỗi nhánh lại có rất nhiều những nụ hoa bé xíu. Theo kinh nghiệm của những người hái đót, thời gian đót trổ bông đến khi thu hoạch chỉ tầm 35 đến 45 ngày, nên người hái đót phải biết nắm bắt thời gian trên để thu được nhiều đót nhất. Vì thân đót cứng và giòn, người đi lấy đót không được dùng liềm, dao mà phải dùng tay tước bớt lá bao quanh thân, sau đó mới bứt mạnh ra khỏi cây đót. Gần một tháng nay, chị H’Yăm Mlô (buôn Tul) cùng chồng lên rừng hái đót từ lúc sáng sớm tinh mơ cho đến sẩm tối. Chị cho hay, thường hai vợ chồng phải đi xa, leo lên những dốc cao, chênh vênh trên các ngọn đồi thì mới có đót, mỗi nơi một ít. Ngày nào may mắn gặp được chỗ đót tốt, nhiều đót thì hái được 30 – 40 bó đót, hái xong anh chị đem đi bán lại cho các thương lái với giá 5 nghìn đồng/kg, trung bình mỗi ngày cả hai vợ chồng thu về từ 300 – 450 nghìn đồng.
Mẹ con chị H'Yăm Mlô đang phơi đót. |
Không chỉ có người hái đót, những người thu mua đót để bán cho các cơ sở làm chổi cũng “ăn nên làm ra” nhờ mùa đót. Gia đình anh Nguyễn Tấn Thịnh (buôn Kuanh) trung bình mỗi này thu mua được từ 1 đến 2 tấn đót tươi. Do thu mua với số lượng lớn, không phơi kịp, gia đình anh còn phải thuê thêm 3 nhân công giúp phơi và bó đót khô. Anh Thịnh chia sẻ: năm nay mua được nhiều đót được hơn năm ngoái, số ít anh nhập về thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc) để Hội người mù làm chổi, phần còn lại anh thuê xe đem ra tận Bình Định để bán. Mỗi mùa đót, sau khi trừ tất cả các chi phí, anh lãi khoảng 60 – 70 triệu đồng.
Đến Yang Mao thời điểm này, người ta thường bắt gặp hình ảnh người dân đang gấp rút hoàn thành việc phơi và đóng gói đót khô. Tuy thời gian hái ngắn, nhưng mỗi vụ đót đã trở thành một “mùa vàng”, một đặc trưng riêng trong cuộc sống của người dân Yang Mao. Yang Mao là xã vùng III, đời sống của bà con nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Thế nên tuy vất vả, mệt nhọc, nhưng bà con đồng bào vùng cao có thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống từ cây đót trong những tháng nông nhàn đầu năm.
Dung Nguyễn
Ý kiến bạn đọc