Mưu sinh dưới đáy sông
Mặt trời vừa ló dạng, khi người trong buôn đã tất bật kéo nhau ra đồng, lên rẫy, bắt đầu công việc của ngày mới thì anh Điện vẫn thong thả nhâm nhi ly cà phê. Bởi công việc tìm lặn gỗ của anh thường chỉ bắt đầu vào khoảng 9 giờ sáng, lúc nắng đã đủ thời gian làm nước sông bớt lạnh để có thể ngâm mình dưới đáy sông.
Với 2 chiếc thuyền gỗ nối với nhau, một máy cung cấp khí, ròng rọc, dây cáp và cưa xăng, vào mùa khô vợ chồng anh bắt đầu rong thuyền đến các khu vực sông có nhiều tàu khai thác cát hoạt động để bắt đầu cuộc tìm gỗ mưu sinh. Anh lý giải: Ở những khu vực sau khi đã hút cát sẽ để lộ những thân cây gỗ, vừa dễ tìm mà dễ đưa lên.
Sau khi thả neo cố định thuyền, không có bất kỳ một phương tiện bảo hộ nào khác, anh ngậm ống thở, thả mình xuống dòng nước mênh mông, đục ngầu bắt đầu cho “hành trình” tìm gỗ. Ở trên thuyền, vợ anh có nhiệm vụ giữ cho ống dẫn khí thẳng, không bị gấp lại, bởi chỉ cần sơ sẩy ống thở bị gập, không khí không thể cung cấp cho anh đang ở dưới đáy sông thì rất nguy hiểm. Một điều nữa tối kỵ trong nghề này nếu không muốn nguy hiểm đến tính mạng là không được lặn sát bờ sông, vì đất ở khu vực này rất dễ sạt lở, mon men vào đó không may là bị đất đè.
Anh Vịnh Văn Điện và một khúc gỗ vừa vớt được dưới sông. |
Những cây gỗ mà anh trục vớt vốn dĩ người ta khai thác trên rừng, sau đó họ bỏ đi hoặc không đưa ra kịp, bị nước mưa cuốn trôi rồi vùi lấp dưới đáy sông, để tìm và lấy được chúng không là điều đơn giản. Giữa mênh mông sông nước, tìm được một thân gỗ vùi sâu trong lòng nó quả như “mò kim đáy bể”. Khi đã xuống đáy sông, đôi chân liên tục di chuyển, đôi tay không ngừng mò mẫm dưới nước để tìm gỗ. Thời gian mỗi lần xuống nước của anh kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ, nếu phát hiện sẽ phải dùng tay bới lớp bùn đất bám chặt lấy thân cây, rồi dùng xích buộc lại, sau đó dùng ròng rọc nâng lên. Do không có dụng cụ bảo hộ, hai bàn tay của anh Điện sau mấy năm làm nghề này đã chai sạn, lỗ chỗ những vết thương do đá, thân cây... cứa vào. Không chỉ vậy, nghề lặn tìm gỗ dưới sông còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Khi lặn ở độ sâu từ 20-30 m, nước ở dưới rất lạnh, nhưng khi lên khỏi mặt nước lại gặp phải cái nắng như đổ lửa của mùa khô khiến cơ thể không kịp thích nghi nên rất dễ bị cảm. Cũng vì thế mà từ khi làm nghề này, bình quân 1 tuần anh phải đi truyền nước một lần. “Mình lặn dưới nước lạnh nên không khát nước. Mỗi ngày chỉ vài ngụm là thấy đủ. Trong khi đó cơ thể vận động liên tục, mất nước rất nhiều nên người hay mệt mỏi, những lúc như vậy phải truyền nước để bổ sung mới có sức tiếp tục công việc được”, anh lý giải.
Theo anh, làm nghề này thì may mắn là yếu tố quyết định. “Có hôm trời thương cho gặp được khúc gỗ có giá trị cũng kiếm được vài triệu đồng, có hôm chẳng gặp được mẩu gỗ nào”, anh tâm sự.
Anh Điện đến với nghề mò tìm gỗ hết sức tình cờ. Vợ chồng anh là người Đồng Tháp, dưới quê không có ruộng đất, cuộc sống khó khăn nên cách đây 6 năm anh chuyển lên vùng đất này sinh sống. Công việc chính của anh là nghề đánh cá. Những lần đi đánh cá, anh bắt gặp những người làm nghề trục vớt gỗ trên sông. Thấy công cụ cũng đơn giản mà có thu nhập cao hơn đánh cá nên anh tìm hiểu học nghề. Ba năm trở lại đây, vào mùa khô anh chuyển sang nghề lặn tìm gỗ trên sông. Mỗi năm như vậy anh chỉ hành nghề được khoảng 3 tháng đỉnh điểm của mùa khô, còn khi mùa mưa đến, nước sông bắt đầu dâng thì anh quay lại đánh cá.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc