Multimedia Đọc Báo in

Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh: Những bước chuyển mình mạnh mẽ

07:17, 10/04/2017

Không chỉ được biết đến với đội ngũ cán bộ y tế hết lòng vì người bệnh, những năm qua, Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) tỉnh còn được đánh giá cao về trình độ chuyên môn. Đặc biệt, nhờ có sự kết hợp hài hòa giữa YHCT với các chuẩn đoán cận lâm sàng của y học hiện đại, hiệu quả khám chữa bệnh đã được nâng lên rõ rệt…

Bà Trần Thị Thu Vân (xã Ea Sol, huyện Ea H’Leo) mắc chứng bệnh thoái hóa khớp gối nhập viện tại Bệnh viện YHCT tỉnh với tinh thần lo lắng vì bệnh tật phải điều trị dài ngày. Thế nhưng, chỉ sau một tuần điều trị, bệnh của bà đã có dấu hiệu thuyên giảm. Bà chia sẻ: “Tôi bị thoái hóa khớp gối từ nhiều năm nay và đã chữa bệnh ở nhiều nơi nhưng không khỏi. Khi vào điều trị ở đây ban đầu tôi khá lo lắng, nhưng qua thời gian nằm viện, được các bác sĩ tận tình, trách nhiệm trong điều trị và chăm sóc người bệnh, tôi thấy yên tâm hơn, nhất là sau một thời gian điều trị tích cực, bệnh của tôi đã có dấu hiệu cải thiện rõ rệt”. Còn chị Nguyễn Thị Tịch (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng), sau tai nạn lao động bị chấn thương tủy sống, liệt hai chi dưới, không thể tự đi lại trên chính đôi chân của mình. Thế nhưng, sau 2 tháng điều trị tích cực tại Khoa Châm cứu và Dưỡng sinh, Bệnh viện YHCT tỉnh, chị đã có thể chống nạng đi lại và tự chăm sóc bản thân. Chị chia sẻ: “Khi bị liệt hai chi dưới, tôi hoàn toàn sụp đổ, tinh thần suy kiệt. Nhưng may mắn là tôi được chữa trị trong điều kiện tốt, được các bác sĩ quan tâm, động viên, hỗ trợ tôi tập luyện hồi phục chức năng. Một lần nữa bước đi trên đôi chân của chính mình, tôi thấy thật hạnh phúc!”. 

Điều trị cho bệnh nhân bằng máy kéo nắn cột sống tự động.
Điều trị cho bệnh nhân bằng máy kéo nắn cột sống tự động.

Nhằm nâng cao chất lượng, việc hiện đại hóa công tác khám chữa bệnh YHCT và kết hợp giữa YHCT với y học hiện đại được Bệnh viện YHCT tỉnh quan tâm bằng việc tăng cường đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác chẩn đoán: máy kéo nắn cột sống tự động, máy siêu âm điều trị, máy điện phân, điện xung, điện từ trường, tự động, laser CO2 cắt trĩ, laser điều trị… Cùng với đó, duy trì và phát triển các phương pháp đông y không dùng thuốc như: xoa bóp, châm cứu, bấm huyệt, vật lý trị liệu. Với việc ứng dụng và triển khai đa dạng các kỹ thuật trong điều trị, giúp cho việc điều trị bệnh, nhất là các bệnh khó, bệnh mạn tính đạt nhiều kết quả khả quan.

Bác sĩ Hồ Thị Minh Thiện, Phó Giám đốc Bệnh viện YHCT tỉnh cho biết, do đặc thù, đối tượng phục vụ chủ yếu là người cao tuổi và bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính hoặc bị di chứng của tai biến nên ngoài việc nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh, bệnh viện còn chú trọng cải cách thủ tục hành chính thông qua việc cắt giảm những thủ tục rườm rà, bổ sung nhân lực, bố trí sắp xếp lại các bàn khám phù hợp, quy trình tiếp đón bệnh nhân đảm bảo liên hoàn và đưa vào ứng dụng hệ thống phần mềm quản lý tại tất cả các khoa, phòng. Đặc biệt, bệnh viện luôn lắng nghe thông tin phản ánh từ bệnh nhân, thân nhân người bệnh để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những sai sót trong giao tiếp ứng xử của cán bộ, nhân viên toàn đơn vị, đồng thời, có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể có thành tích tốt, được người bệnh khen ngợi và xem đây là việc làm thường xuyên liên tục trong việc triển khai các nhiệm vụ chuyên môn. Nhờ vậy, hầu hết các chỉ tiêu chuyên môn tại bệnh viện đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, giao tiếp ứng xử của thầy thuốc được người bệnh đánh giá cao. Chỉ tính riêng năm 2016, bệnh viện đã khám và điều trị cho hơn 30.000 lượt người, điều trị nội trú hơn 4.000 bệnh nhân, giúp nhiều bệnh nhân thoát khỏi nỗi đau đớn của bệnh tật...

Để “thương hiệu” của bệnh viện tiếp tục được duy trì, bác sĩ Hồ Thị Minh Thiện cho rằng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của bệnh viện là chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên y tế; phát triển các kỹ thuật mới, đầu tư trang thiết bị đồng bộ, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Đồng thời, tiếp tục cải cách hành chính, lề lồi làm việc, thực hiện tốt 12 điều quy định về y đức và 9 điều y huấn cách ngôn của Hải Thượng Lãn Ông, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Kim Oanh – Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.