Multimedia Đọc Báo in

Nhóm Thiện nguyện hỗ trợ sinh kế cho người nghèo

07:17, 10/04/2017

Nhằm tạo điều kiện cho người nghèo phát triển kinh tế, thời gian qua nhóm Thiện nguyện xã Ea Phê (huyện Krông Pắc) đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ xã hỗ trợ hàng chục con bò sinh sản cho hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong và ngoài xã.

Nhóm Thiện nguyện được thành lập từ năm 2014, gồm 3 thành viên. Với phương châm “Trao cần câu chứ không cho cá”, một thành viên (ở ngoài tỉnh) bỏ tiền túi ra mua 17 con bò mẹ, mỗi con trị giá 18 triệu đồng. Hai thành viên còn lại là vợ chồng chị Nguyễn Thị Thắm (thôn Phước Thọ 1) chịu trách nhiệm chăm sóc, phối giống sau đó phối hợp với Hội Chữ thập đỏ xã tìm ra những hộ có hoàn cảnh khó khăn để tặng bò. Mỗi hộ được nhận nuôi 1 con, hộ nào có đủ điều kiện kinh tế, nhân lực thì được trao 2 con. Với những hộ không có điều kiện làm chuồng trại, nhóm sẽ xin Ban tự quản thôn hỗ trợ, tìm người có uy tín trong thôn đứng ra giám sát số bò được nuôi.

Bê con  của  gia đình ông Hoàng Văn Quát.
Bê con của gia đình ông Hoàng Văn Quát.

Khi bò mẹ sinh ra bê con được 6 tháng thì nhóm sẽ tặng bê cho gia đình và lấy lại bò mẹ để phối giống, tiếp tục luân phiên sang cho các hộ gia đình khác nuôi. Hằng tháng, nhóm sẽ cử người đi kiểm tra sức khỏe của đàn bò 1 lần, nếu bò bị bệnh nhóm sẽ gọi thú y đến khám hoặc hỗ trợ con bò khác, hoặc khi gia đình nhận nuôi bò gặp khó khăn, muốn bán bê (khi bê còn quá nhỏ), nhóm sẽ căn cứ vào tình hình thực tế hỗ trợ mua lại với giá cao hơn thị trường để người nuôi không bị thiệt thòi. Chị Thắm cho biết, ngày mới phát triển mô hình này, nhóm gặp nhiều khó khăn, do người dân chưa biết cách chăm sóc khiến bò giống bị chết 3 con. Dần về sau, nhờ sự liên kết chặt chẽ của nhóm với người chịu trách nhiệm trông coi và người được nhận nuôi bò mà tình trạng này đã không còn, và quá trình luân phiên được đẩy nhanh. Từ khi thành lập đến nay, nhóm đã luân phiên hỗ trợ bò mẹ cho hơn 20 hộ gia đình.

Gia đình ông Lê Quảng Ba (thôn Phước Thọ 1, người dân tộc Tày) là một trong những gia đình nghèo nhất xã. Nhà có 8 miệng ăn nhưng chỉ có vài sào đất rẫy. Trước đây, để có bò nuôi, ông phải nhận nuôi rẽ, sau khi bò mẹ đẻ bê con, ông được chủ chia một nửa giá trị của bê con. Nuôi được gần 2 năm, ông được chủ chia 1 con bê nhưng không may bê bị xe tông chết. Hay tin, nhóm Thiện nguyện và Hội Chữ thập đỏ xã tìm đến giúp đỡ cho ông được nhận nuôi bò sinh sản.

Là gia đình cựu chiến binh khó khăn, ông Hoàng Văn Quát (thôn Phước Thọ 2) phải sống nhờ 4 sào mía, nuôi vợ bệnh tật. Tháng 8-2015, gia đình ông được luân phiên nhận nuôi bò sinh sản. Đến nay ông đã trả lại bò mẹ cho nhóm, và ông được một bê con 9 tháng tuổi. Nhớ lại những ngày đầu mới nhận bò về nuôi, ông Quát cho biết, do gia đình khó khăn không có tiền mua thức ăn cho bò nên được nhóm hỗ trợ cám, hướng dẫn cách trồng cỏ để có thêm thức ăn cho bò. Trong quá trình nuôi nếu bò bị bệnh, ông trực tiếp gọi điện, trao đổi với người trong nhóm, thú y để có sự can thiệp kịp thời. Hiện nay, ông đang có mong muốn được nhận nuôi thêm bò để có thêm số lượng bê và phân tro tăng gia làm hoa màu cải thiện cuộc sống. Ông cho biết, nuôi bò không khó, chỉ cần chăm chỉ, lấy công làm lời thì kinh tế gia đình sẽ ổn định hơn.

Chương trình luân phiên trao bò sinh sản của nhóm Thiện nguyện rất thiết thực, kịp thời, đúng đối tượng, nhờ vậy đã giúp nhiều gia đình có cơ hội thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Dung Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.