Multimedia Đọc Báo in

Sinh viên làm thêm bằng nghề… "bán duyên"

20:18, 08/04/2017

Để trang trải chi phí học tập, sinh hoạt trong thời gian đi học, sinh viên phải làm thêm nhiều nghề như phụ quán, dạy thêm, … Trong đó, nghề bưng bê phẩm vật trong các lễ cưới, hỏi được nhiều sinh viên lựa chọn.

Theo quan niệm xưa ở một số vùng, mỗi lần bưng bê tráp cưới, hỏi là một lần … “bán duyên”, mỗi người chỉ được “bán” tối đa 3 lần, nhiều hơn sẽ… hết duyên! Nhưng nay mọi chuyện đã khác, bưng tráp đã trở thành một nghề làm thêm thú vị, mang lại thu nhập khá cho giới trẻ, nhất là những bạn sinh viên có ngoại hình.

Bạn Hoàng Công Minh, cựu sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên  - người có thâm niên nhiều năm làm phù rể, bê tráp cho các nhà hàng tiệc cưới ở TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ, anh đến với nghề từ khi còn là sinh viên năm nhất. Lúc đầu, Minh chỉ đi bưng lễ giúp người quen, sau đó được mọi người giới thiệu nên nhập hội chuyên bê tráp cho nhà hàng, tiệc cưới mỗi khi có nhu cầu. Những ngày mới vào nghề, Minh có phần e ngại khi tiếp xúc với người lạ. Nhưng khi được gia đình nhà trai, gái quan tâm, quý mến, xem như người thân trong nhà khiến Minh trở nên mạnh dạn hơn. Hỏi chuyện “bán duyên”, Minh cười bảo: “Mỗi lần đi làm, mẹ cũng có khuyên ngăn, nhưng nghĩ việc mình làm là đang se duyên, mang lại hạnh phúc cho người khác thì sau này mình cũng sẽ được như vậy. Biết đâu, trong những lần đi bưng lễ mình gặp được người trong mộng cũng nên”. Đến nay, dù đã ra trường, nhưng Minh vẫn duy trì công việc này.

Nhóm của Như trong một lần bưng tráp đám cưới.    Ảnh:  Nhân vật cung cấp
Nhóm của Như trong một lần bưng tráp đám cưới. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sinh sống và học tập xa nhà nên bạn Nguyễn Công  Lực, sinh viên năm 2 Khoa Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Tây Nguyên học cách sống tự lập. Ngoài tiền gia đình chu cấp hằng tháng, Lực còn chủ động làm thêm nhiều nghề để trang trải các khoản chi phí sinh hoạt hằng ngày. Lực quan niệm, nghề gì bạn ấy cũng làm miễn là nghề chân chính. Trong số các nghề làm thêm, Lực thấy bưng tráp đám cưới là nhẹ nhàng và tiền công cao. Mỗi lần bưng tráp chỉ mất khoảng 3 tiếng đồng hồ, được trả 50 nghìn đồng tiền công và được lì xì thêm 50 nghìn đồng tiền “duyên”, trong khi đi làm phục vụ bưng bê, chạy tới chạy lui cao lắm cũng chỉ được 90 nghìn đồng.

Không chỉ nam giới, mà cả các bạn nữ cũng nghĩ rất thoáng với nghề “bán duyên”. Bạn Nguyễn Thị Như, sinh viên năm cuối Trường Đại học Tây Nguyên làm nghề bưng tráp chuyên nghiệp từ khi còn học cấp III. Thời còn ở nhà, mỗi khi trong xóm có tổ chức cưới, hỏi đều nhờ Như bưng giúp. Khi xong tiệc, họ đến nhà cảm ơn, và gửi tiền công 50 nghìn đồng, với những tiệc ở xa, họ còn cho thêm. Vào đại học, Như xin đi làm phục vục cho các nhà hàng tiệc cưới, thấy Như có ngoại hình khá, chủ nhà hàng thuê luôn bưng tráp kiêm phục vụ. “Nghề bưng tráp cũng khá đơn giản, khi hai bên trao lễ mình đứng ra nhận khoảng vài phút là xong. Tuy nhiên nghề này cần có ngoại hình một chút vì dù sao cũng là “bộ mặt” của hai họ. Với con trai chiều cao từ 1m60 trở lên, khuôn mặt ưa nhìn, nữ 1m55, vóc dáng cân đối, tính tình vui vẻ hòa đồng thì mới làm được”, Như bộc bạch. Để tiện cho công việc, Như lập riêng một đội nữ từ 7- 10 người, khi nhà hàng gọi là có mặt ngay. Công việc bưng tráp thường theo thời vụ, những mùa cưới các bạn phải “chạy sô” nhiều tiệc, ngày không có thì làm phục vụ bưng bê ở nhà hàng, tổng thu nhập trung bình hằng tháng gần 2 triệu đồng, số tiền tuy không nhiều nhưng vẫn đủ để trang trải cuộc sống trong quãng đời sinh viên.

Huỳnh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.