Multimedia Đọc Báo in

Tuổi trẻ Cư Pui phát huy vai trò xung kích, tình nguyện vì cộng đồng

07:29, 04/04/2017

Bằng nhiều phần việc cụ thể, thời gian qua, tuổi trẻ xã Cư Pui (huyện Krông Bông) đã phát huy vai trò xung kích tình nguyện vì cộng đồng, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Xã Cư Pui hiện có 1.030 đoàn viên thanh niên, trong đó đoàn viên là người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 90%, sinh hoạt tại 18 chi đoàn cơ sở. Thời gian qua, phong trào Thanh niên xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc được Đoàn xã triển khai sâu rộng tới 100% chi đoàn cơ sở với nhiều hoạt động thiết thực.

Anh Y Thăm Byă, Bí thư Đoàn xã Cư Pui cho biết, hằng năm, Đoàn xã phối hợp với Huyện Đoàn, các ngành chức năng của huyện Krông Bông tổ chức từ 3 - 5 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất nông nghiệp để các đoàn viên thanh niên tham gia học hỏi; hỗ trợ thanh niên vay vốn từ Quỹ Đoàn viên với lãi suất thấp; xây Nhà nhân ái tặng đoàn viên thanh niên nghèo…

Gia đình anh Giàng Seo Măng, Bí thư Chi đoàn thôn Cư Tê là hộ nghèo, sinh sống trong căn nhà vách nứa tạm bợ. Năm 2015, Đoàn xã huy động các đoàn viên thanh niên đóng góp xây tặng cho gia đình anh căn Nhà nhân ái trị giá gần 30 triệu đồng. Anh Măng bày tỏ: “Nhờ anh em đoàn viên hỗ trợ nên vợ chồng tôi mới có được căn nhà để ở. Đây là niềm vui không thể tả và là động lực rất lớn giúp chúng tôi tiếp tục phấn đấu vươn lên trong cuộc sống”.

Đoàn xã Cư Pui (huyện Krông Bông) trao quà Tết tặng gia đình chính sách.
Đoàn xã Cư Pui (huyện Krông Bông) trao quà Tết tặng gia đình chính sách.

Từ nguồn vốn vay Quỹ Đoàn viên xã và vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Bông được Đoàn xã đứng ra tín chấp, nhiều thanh niên cũng có điều kiện vượt khó vươn lên phát triển kinh tế như gia đình anh Trần Văn Khương ở Chi đoàn thôn Điện Tân. Năm 2013, qua tổ chức Đoàn, anh Khương được vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua 1 con bò giống. Từ một con bò ban đầu, đến nay gia đình anh đã có 4 con bò cái sinh sản; anh còn nuôi thêm 20 con heo thịt/lứa (3 lứa/năm), thu nhập bình quân trên 50 triệu đồng/năm. Còn với anh Phạm Văn Điệp ở Chi đoàn thôn K’Nung, nhờ biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ năm 2012, anh đã trồng tiêu xen trong 1,5 ha rẫy cà phê góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao, trung bình mỗi năm thu nhập 100 triệu đồng…

Theo anh Y Thăm Byă, từ phong trào xung kích trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, đến nay toàn xã đã có trên 30 mô hình sản xuất, chăn nuôi của gia đình đoàn viên thanh niên và các hộ dân khác đem lại lợi nhuận khá, thu nhập bình quân từ 80-150 triệu đồng/năm.

Tuổi trẻ xã Cư Pui tham gia phong trào tình nguyện.
Tuổi trẻ xã Cư Pui tham gia phong trào tình nguyện.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, tuổi trẻ Cư Pui còn có nhiều hoạt động vì cuộc sống cộng đồng. Tính từ năm 2012 đến nay, từ các nguồn đóng góp hỗ trợ của đoàn viên thanh niên, Đoàn xã Cư Pui đã xây dựng được trên 50 công trình, phần việc thanh niên. Riêng trong năm 2016, Đoàn xã đã tổ chức được 20 đợt vệ sinh môi trường thu hút hơn hàng trăm lượt đoàn viên thanh niên tham gia; giúp sửa chữa 5 nhà dột nát cho 5 gia đình người DTTS khó khăn với 120 ngày công lao động; phối hợp với chính quyền địa phương san gạt ổ gà, đào đất đắp đường dân sinh tại 6 thôn đặc biệt khó khăn của đồng bào người Mông; huy động 300 ngày công tham gia tu sửa, nạo vét các tuyến kênh mương nội đồng tại thôn Ea Lang, Ea Rớt, Cư Rang, Cư Tê…

Có thể nhận thấy, những công trình, phần việc được Đoàn xã Cư Pui thực hiện trong thời gian qua đã thể hiện vai trò xung kích của thanh niên,  tạo dư luận tốt trong xã hội. Qua đó, góp phần giáo dục, định hướng lối sống đẹp, xây dựng hình ảnh tuổi trẻ có trách nhiệm với xã hội, sẵn sàng xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.