Multimedia Đọc Báo in

Công an viên của buôn hết lòng với công việc chung

08:56, 09/07/2017

Làm công an viên buôn Khanh (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) từ năm 2005 đến nay, anh Y Tương Niê luôn chú trọng tuyên truyền pháp luật cho người dân, góp sức giữ gìn an ninh trật tự nơi buôn làng.

Với nghiệp vụ và kinh nghiệm của một công an viên, anh Y Tương đã khéo léo xử lý nhiều vụ việc gây mất an ninh trật tự. Mỗi khi nghe tin có thanh niên trong buôn xảy ra xích mích, mâu thuẫn dẫn đến xô xát, anh Y Tương mời hai bên lên nhà cộng đồng buôn để chỉ ra cái sai, cái đúng của từng người; đồng thời, gặp gỡ phụ huynh nhắc nhở họ quan tâm hơn đến việc dạy dỗ con em mình, qua đó cảm hóa được những thanh niên hay quậy phá.

Anh Y Tương  kể chuyện  truy bắt tội phạm.
Anh Y Tương kể chuyện truy bắt tội phạm.

Trước đây trong buôn xảy ra tình trạng trộm cắp vặt, qua nắm bắt tình hình, phát hiện đối tượng hay có hành vi trộm cắp là người ở nơi khác tới, anh Y Tương kiên trì theo đến tận nhà, khéo léo mời cả đối tượng và bị hại lên làm việc, giải hòa. Có lần, nhận thông tin một đối tượng ở địa phương khác đến gây mâu thuẫn và dùng mã tấu đe dọa, uy hiếp một người dân trong buôn, anh Y Tương tìm cách tiếp cận đối tượng để thương thuyết, tước hung khí. Mới đây, vào tháng 5-2017, nhận được tin báo có hai đối tượng tình nghi lảng vảng trong rẫy cà phê, anh Y Tương kiên trì truy tìm suốt hai tuần mới phát hiện và cùng người dân khống chế đối tượng giao cho công an xã. Tại đây, hai đối tượng khai là sau khi thực hiện hành vi trộm cắp 2 chiếc xe máy tại huyện Lắk, huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) và 1 chiếc tại huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông), sợ bị phát hiện nên chạy qua địa bàn buôn Khanh lẩn trốn thì bị bắt.

Mặc dù biết công tác truy bắt tội phạm gặp nhiều nguy hiểm nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, anh Y Tương luôn động viên mình phải cố gắng góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân.

Hồng Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.