Huyện Ea Súp: Vẫn gặp khó trong giải quyết tình trạng dân di cư tự do
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Súp, trong 6 tháng đầu năm 2017, có 13 hộ với 62 nhân khẩu di cư tự do ngoài kế hoạch tại xã Cư Kbang; nâng tổng số dân di cư ngoài kế hoạch chưa được bố trí sắp xếp trên địa bàn huyện lên 684 hộ, 3.088 khẩu. Trong đó, tập trung chủ yếu tại xã Cư M'lan (274 hộ), xã Ea Lê (143 hộ), xã Cư Kbang (202 hộ) và xã Ea Rốk (65 hộ).
Mặc dù tình hình dân di cư tự do đến huyện Ea Súp thời gian gần đây không còn diễn biến phức tạp về số lượng, nhưng do chưa được giải quyết triệt để khiến mục tiêu quy hoạch, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của huyện gặp khó khăn. Trên địa bàn huyện hiện đã có các dự án ổn định dân di cư tự do được phê duyệt song do nhu cầu về vốn rất lớn trong khi nguồn kinh phí bố trí không kịp thời dẫn đến việc thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng đón dân vào vùng dự án chưa bảo đảm theo nhu cầu.
Các hộ dân di cư tự do dựng lán trại tại tiểu khu 295, 296 xã Cư Mlan. |
Theo thống kê, hiện tại huyện Ea Súp có 3 dự án sắp xếp để tiếp nhận dân di cư tự do, trong đó: xã Cư Kbang tiếp nhận khoảng 400-500 hộ vào tiểu khu 204 và 207 thành lập 3 cụm dân cư 8, 9, 10 với tổng mức đầu tư được phê duyệt gần 71 tỷ đồng nhưng đến nay mới phân bổ hơn 53 tỷ đồng; Dự án tại tiểu khu 249, 265, 271 thuộc địa phận xã Cư M'lan và Ea Lê với tổng mức phê duyệt hơn 66 tỷ đồng nhưng mới bố trí hơn 28 tỷ đồng; Dự án sắp xếp dân di cư tự do tại xã Ia Jlơi với tổng mức đầu tư phê duyệt là hơn 45 tỷ đồng nhưng đến nay mới phân bổ, bố trí hơn 11 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, việc bố trí đất ở, đất sản xuất theo dự án đã được phê duyệt triển khai rất chậm, khó thực hiện do không còn quỹ đất để bố trí. Cụ thể, năm 2008 xã Cư Kbang tiếp nhận và cấp đất ở, đất sản xuất cho 334 hộ với mức mỗi hộ được cấp 500 m2 và 2.500 m2 đất sản xuất; đến năm 2014, xã tiếp nhận 532 hộ và chỉ mới bố trí đất ở cho 380 hộ, chưa thể bố trí đất sản xuất. Điều đáng nói là số lượng dân di cư ngoài kế hoạch vẫn tiếp tục đến khiến cho quy mô các dự án bị phá vỡ; điển hình như Dự án sắp xếp dân di cư tự do tại xã Cư Kbang có quy mô 400 - 500 hộ nhưng đến nay đã tiếp nhận 714 hộ, tăng đến 214 hộ. Các hộ dân chưa được bố trí đất sản xuất tiếp tục di cư vào các công ty do UBND các xã quản lý để phá rừng lấy đất sản xuất.
Dân di cư tự do tại huyện Ea Súp dựng lán trại để xâm canh. |
Một khó khăn nữa là một số dự án không được người dân đồng thuận khi triển khai, không trả lại diện tích đất lấn chiếm, không hợp tác với chính quyền và cơ quan chuyên môn. Tình hình dân cư đến địa bàn các xã xâm canh lấn chiếm, làm thuê theo mùa vụ có chiều hướng gia tăng, các hộ dân đến thường không khai báo hoặc không hợp tác. Mặt khác, các công ty và chính quyền cơ sở vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý đất đai và hạn chế trong công tác kiểm soát dân cư ngoài kế hoạch vào địa bàn.
Ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, các phòng ban chuyên môn của huyện cũng đã có nhiều giải pháp giải quyết vấn đề dân di cư ngoài kế hoạch. Tuy nhiên, để tháo gỡ những khó khăn nói trên, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp ngành, nhất là cần có giải pháp ngăn chặn tình trạng di cư tự do, có văn bản chỉ đạo quản lý chặt dân cư trên địa bàn các huyện, làm việc với các tỉnh có dân di cư tự do để bàn các giải pháp tháo gỡ; đồng thời sớm cho phép chuyển đổi đất tại các vùng dự án, tạo điều kiện để nhân dân yên tâm định cư, ổn định cuộc sống.
Đức Hạnh
Ý kiến bạn đọc