Multimedia Đọc Báo in

Những căn nhà ấm áp nghĩa tình ở Ea Kar

17:09, 25/07/2017

Những năm qua, các cấp, ngành và người dân trên địa bàn huyện Ea Kar đã dành sự quan tâm, chăm lo  cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách có công.

Sau khi chồng qua đời năm 2001, bà H’Jih Byă (SN 1935), mẹ của liệt sỹ Y Khar Byă ở buôn Trưng, xã Cư Bông ở với con gái là chị H’Dhưch Byă cùng 5 người cháu trong căn nhà gỗ cũ, chật chội. Cuộc sống càng thêm khó khăn khi chồng chị H’Dhưch qua đời từ năm 2005. Mình chị lam lũ vất vả cũng chỉ kiếm đủ cái ăn cho 7 người nên chưa dám nghĩ đến việc sửa chữa lại căn nhà cho tươm tất hơn. Chia sẻ khó khăn đó, huyện Ea Kar đã trích 50 triệu đồng từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa hỗ trợ xây dựng căn nhà Tình nghĩa rộng 35 m2, giúp gia đình bà H’Jih có nơi ở ổn định.

Trong căn nhà mới khang trang, vợ chồng thương binh 4/4 Nguyễn Khắc Tăng và Nguyễn Thị Phấn ở tổ dân phố 1, thị trấn Ea Kar không giấu được niềm vui. Trước đây, 2 vợ chồng vất vả quanh năm cũng chỉ mong lo đủ bữa ăn hằng ngày, bởi cuộc sống của 8 người trong gia đình trông chờ cả vào mấy sào rẫy và tiền trợ cấp thương tật. Căn nhà cấp 4 trải qua gần 30 năm  mưa, nắng đã dột nát, xuống cấp nhưng chưa sửa chữa được. Khi biết gia đình ông được Quỹ Đền ơn đáp nghĩa huyện hỗ trợ 40 triệu đồng xây tặng nhà tình nghĩa, anh em, bà con hàng xóm ai cũng vui mừng, cho mượn thêm tiền, giúp ngày công xây dựng căn nhà rộng 70 m2. “Vợ chồng tôi rất xúc động và trân trọng tấm lòng, sự quan tâm của lãnh đạo, các tầng lớp nhân dân cùng chăm lo, giúp đỡ các gia đình chính sách có công”, ông Tăng bộc bạch.

Cán bộ LĐTBXH thị trấn Ea Kar (bên phải) chia vui với gia đình thương binh Nguyễn Khắc Tăng trong căn nhà Tình nghĩa.
Cán bộ LĐTBXH thị trấn Ea Kar (bên phải) chia vui với gia đình thương binh Nguyễn Khắc Tăng trong căn nhà Tình nghĩa.

Đây là 2 trong số hàng trăm căn nhà Tình nghĩa mà huyện Ea Kar đã xây dựng cho các gia đình chính sách. Khó có thể diễn tả niềm vui và sự xúc động của các gia đình khi được sống trong những căn nhà ấm áp, chan chứa nghĩa tình. Trong 5 năm (2012-2016), toàn huyện đã vận động được gần 5 tỷ đồng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, cùng với nguồn vốn của Trung ương, tỉnh hỗ trợ, gia đình đóng góp để xây dựng 188 căn nhà Tình nghĩa với tổng kinh phí hơn 18,9 tỷ đồng. Riêng trong năm 2017, huyện đã khảo sát, quyết định hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 30 gia đình chính sách có công với tổng kinh phí 700 triệu đồng.

Không chỉ hỗ trợ xây dựng nhà ở, huyện đã trao tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, thăm hỏi, tặng quà, tổ chức đưa đoàn người có công đi điều dưỡng, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, cung cấp dụng cụ chỉnh hình, xe lăn cho hàng nghìn lượt đối tượng chính sách;  hỗ trợ cây, con giống phát triển sản xuất, miễn giảm thuế, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, dạy nghề cho con em gia đình chính sách…

Ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện cho biết, toàn huyện hiện có 3.910 đối tượng chính sách có công. Để thực hiện mục tiêu nâng cao mức sống của gia đình chính sách bảo đảm bằng và cao hơn mức trung bình của người dân nơi cư trú thì trước tiên phải giúp họ “an cư”. Vì vậy, địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác hỗ trợ xây dựng nhà Tình nghĩa. Trong quá trình triển khai xây dựng nhà, địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm chất lượng và tiến độ công trình; đồng thời huy động các hội, đoàn thể hỗ trợ thêm ngày công, vật liệu.

Tuy nhiên, hiện trên địa bàn huyện vẫn còn trên 50 hộ chính sách thuộc diện nghèo, cận nghèo, khó khăn. Do vậy, thời gian tới, ngoài kinh phí phân bổ của tỉnh, huyện tập trung huy động các nguồn lực, tích cực vận động các đơn vị, doanh nghiệp, người dân đóng góp, hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình chính sách có công vươn lên ổn định cuộc sống.  

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.